Sân khấu

Huyền thoại gò Rồng ấp và câu chuyện về sự ra đời của Lý Công Uẩn

Sau những đêm diễn đầu tiên rất thành công vào cuối tháng 7, vở kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp” sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục công diễn phục vụ khán giả vào từ ngày 17 đến 19/8/2019 tại Rạp Đại Nam 89, Phố Huế, Hà Nội.

Huyền thoại gò Rồng ấp là kịch bản của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ viết dựa trên trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị vua khai quốc của triều Lý và cũng là vị vua có quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long hơn 1000 năm về trước.

Chuyện kịch kể về Phạm Thị Ngà (NSND Lệ Ngọc), cô gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp mồ côi cha mẹ đến làm giúp việc ở chùa Tiêu, nơi sư Vạn Hạnh tu hành. Tương truyền rằng, gò Rồng ấp là nơi đất có huyệt thiêng nên hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn đã đem phần mộ cha mẹ của Thị Ngà đến táng ở gò Rồng ấp.

Trong một lần, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội phồn thực Nõ – Nường. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.Sư phụ của Vạn Hạnh là Thiền sư Thiền Ông vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm Kỷ dậu, tức là ba mươi sáu năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…” Lời tiên tri đó dường như ứng vào bào thai mà Thị Nga đang mang.

Phú hộ Hồng Kỳ ở hương Diên Uẩn có con gái là Thị Nhài cũng đang mang thai vô tình biết đến lời tiên tri và nổi lòng tham bốc mả cha đem táng ở gò Rồng ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Khi biết Thị Ngà đang mang thai, hắn âm mưu tìm mọi cách để hãm hại Thị Ngà. Nhưng nhờ giúp sức của nhiều người, Thị Ngà và đứa bé trong bụng đều may mắn thoát nạn.

Đến kỳ sinh nở, gắng gượng sức tàn Thị Ngà lê lết đến được cổng chùa Cổ Pháp – nơi sư Khánh Văn trụ trì. Sức cùng, lực kiệt không thể sinh nở bình thường,Thị Ngà đã dùng mảnh sành tự rạch bụng để đứa trẻ được chào đời, còn mình thì ra đi mãi mãi. Đứa bé sau đó được sư Khánh Văn đem về chùa nuôi dạy và khi lớn lên đã trở thành vị Hoàng Đế Lý Công Uẩn, vị vua khai quốc của triều Lý và là người người có công dời đô về Thăng Long.

Từng dàn dựng thành công nhiều vở diễn trên sân khấu cải lương như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi… lần đầu tiên thử sức với sân khấu kịch, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã đưa tính ước lệ của sân khấu truyền thống kết hợp với lối tả thực của kịch nói vào Huyền thoại gò Rồng ấp. Sự kết hợp này đã mang lại một vở diễn vừa truyền thống, vừa hiện đại, tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn đối với người xem. Ba đêm diễn ra mắt đầu tiên của Huyền thoại gò Rồng ấp, khán phòng Rạp Kim Mã chật kín khán giả. Nhiều cảnh diễn như: cảnh những đứa trẻ bất chấp nguy hiểm cứu người vô tội hay cảnh cậu ấm sứt sẵn sàng lao vào miệng cọp để chết thay cho Thị Ngà, đặc biệt là cảnh Thị Ngà lấy hết hơi sức còn lại dùng mảnh sành rạch bụng để sinh con rồi trút hơi thở cuối cùng… đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc.

Không chỉ hấp dẫn về nội dung,vở diễn còn đưa khán giả đến với những phong tục, tập quán đặc sắc, tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Qua đó người xem có thể hình dung được phần nào về nền văn minh châu thổ sông Hồng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Huyền thoại gò Rồng ấp với sự tham gia diễn xuất của nhiều nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đơn vị nghệ thuật khác nhau. Theo kế hoạch, vở diễn sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN vào tháng 9 ở Nam Ninh (Trung Quốc) và Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ V – 2019. Trước mắt, Huyền thoại gò Rồng ấp sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô vào các đêm 17 đến 20/8/2019 và các ngày 6,7,8/9/2019 tại Rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, Hà Nội. Vở diễn cũng được giới thiệu tại sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội vào các đêm 4 và 5/9/2019.

 

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *