Văn hóa cơ sở

Huyện Thường Tín nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

Những năm qua, sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa trên địa bàn huyện Thường Tín được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trong đó, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động biểu diễn văn nghệ được nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân

Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy sức mạnh của toàn xã hội để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, các thiết chế văn hóa được quy hoạch và đầu tư từng bước. 24/29 xã, thị trấn có sân thể thao, gần 90% số thôn, cụm dân cư có nhà văn hóa được xây mới, cải tạo đưa vào sử dụng có hiệu quả. Giai đoạn 2016 – 2018, huyện đã đầu tư xây dựng 47 NVH với kinh phí phân bổ 25,658 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện hiện có 01 Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao ; 02 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã; 29/29 xã, thị trấn đã triển khai xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp Nhà Văn hóa (NVH). Hiện toàn huyện có gần 90% tổng số làng, cụm dân cư trên địa bàn có NVH, góp phần phục vụ có hiệu quả việc sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Cùng với đó, năm 2017 và 2018, UBND huyện đã thực hiện trang bị mô hình tủ sách cơ sở kết hợp điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 29 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố của 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm khơi dậy văn hóa đọc và từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay mô hình này đã bước đầu khai thác có hiệu quả.

Các di tích được đầu tư tôn tạo

Công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý và khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm. Toàn huyện có 129 di sản được ghi trong Danh mục các di sản của thành phố Hà Nội (là huyện có danh mục di sản nhiều nhất thành phố), trong đó, nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một số môn nghệ thuật dân gian cổ truyền và các tích trò trong lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy:  hát chèo (xã Nghiêm Xuyên), hát trống quân (xã Khánh Hà), Thổi cơm thi (Lễ hội Từ Vân – Lê Lợi)… Huyện có 5 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (loại hình Nghệ thuật trình diễn Hát trống quân); đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho nghề sơn mài ở Hạ Thái (Duyên Thái)…

Trên địa bàn huyện có 119 di tích (trong đó 61 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 58 di tích xếp hạng cấp thành phố). Đề nghị lập hồ sơ thẩm định và được công nhận bảo vật quốc gia đối với 02 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi; đang làm thủ tục đề nghị chùa Đậu là di tích quốc gia đặc biệt.

Đến năm 2018, trên địa bàn huyện có trên 86% số hộ, 89% số làng, 100% tổ dân phố, 80% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa,11 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, huyện Thường Tín  đã  tập trung xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực nói chung và phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa nói riêng; trong đó thực hiện đúng Đề án vị trí việc làm, coi trọng việc bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của huyện và cơ sở. Hằng năm, huyện cử nhiều đợt cán bộ làm công tác Văn hóa – Thông tin tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ, trong đó quan tâm động viên đội ngũ hạt nhân của phong trào. Đồng thời thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; thực hiện việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa thành kế hoạch cụ thể của huyện theo chỉ đạo của Thành phố và Trung ương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong dịch vụ văn hóa. Hằng năm, đội kiểm tra liên ngành về quản lý dịch vụ văn hóa thông tin của huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo môi trường văn hóa ngày càng trong sạch, lành mạnh.

Trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục  tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ, phấn đấu 100% thôn, làng có NVH  hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 40%…

Khánh Vân

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *