Hà Nội đẹp

Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín năm 2023

Triển lãm có quy mô 10 gian hàng, trưng bày, giới thiệu trên 600 mẫu sản phẩm thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới. Đây là hoạt động thiết thực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng bền vững của kinh tế Thủ đô.

Trong các ngày, từ 03 – 05/11/2023 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, Sở Công Thương Hà Nội và UBND huyện Thường Tín phối hợp tổ chức Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín năm 2023. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Ảnh: Tô Quý

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 – 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025… Chính vì vậy, Hội chợ Quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội GilfShow 2023, Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm thủ đô 2023, các cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩmthủ công mỹ nghệ…đã giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, mang lại hiệu quả từng bước đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thành phố, vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa riêng đồng thời có những bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội và cả nước trên thị trường quốc tế. “Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín năm 2023 sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thu hút người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa; đây thực sự còn là hoạt động thiết thực, quan trọng đóng góp vào sự phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng bền vững của kinh tế Thủ đô” , đồng chí Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Một gian hàng tại Triển lãm

Ảnh: Tô Quý

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, cho biết: Là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa, huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề truyền thống và 01 làng nghề Hà Nội. Các làng nghề ở huyện Thường Tín tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng mang đậm nét văn hóa riêng của các làng nghề; tạo dựng được thị trường rộng lớn trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ dân và từng làng nghề ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Huyện cũng luôn quan tâm đến công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể; đề nghị xét công nhận làng nghề và các nghệ nhân; triển khai công tác tập huấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp… Đồng thời, tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có; ưu tiên xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề, gắn phát triển kinh tế làng nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các đại biểu tham quan Triển lãm

Ảnh: Tô Quý

Triển lãm có quy mô 100 gian hàng, với sự tham gia của của các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hội, hiệp hội làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín và các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển lãm trưng bày, giới thiệu trên 600 mẫu sản phẩm thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới do các chuyên gia thiết kế hỗ trợ thực hiện. Trong khuôn khổ chương trình diễn ra các hoạt động: Trải nghiệm, trình diễn nghề Sơn mài; Thêu tay, Lược sừng, Điêu khắc. Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 192 năm huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội xưa (thành phố Hà Nội ngày nay).

Triển lãm là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn Thành phố, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội và trên địa bàn huyện Thường Tín có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo và đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, cũng như từ các thiết kế này phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nguyễn Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *