Văn hóa cơ sở

Khởi sắc đời sống người Mường ở Yên Bình

Xã có 10/10 thôn được công nhận làng văn hóa, 94% hộ gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/năm, trở thành xã dân tộc thiểu số đầu tiên của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Yên Bình là 1 trong 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất. Nhờ sự quan tâm của thành phố và huyện Thạch Thất, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay rõ rệt.

Từ khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, được đầu tư kinh phí 200 tỷ đồng, xã Yên Bình triển khai xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa đồng bộ. Bà con người Mường nơi đây tiến hành thay đổi cơ cấu sản xuất, phát triển mô hình nuôi ong, nuôi dê sinh sản; chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả, hoa cho giá trị kinh tế cao như: Bưởi diễn, bưởi da xanh, cam, quýt, thanh long, hoa ly; trồng rau an toàn, chăn nuôi hữu cơ… Thu nhập bình quân đầu người ở xã Yên Bình đạt hơn 60 triệu đồng/năm, trở thành xã dân tộc thiểu số đầu tiên của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Hiện, xã Yên Bình đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đoạn đường xanh – sạch – đẹp đang được nhân rộng ở xã Yên Bình.

 Ảnh: Thu Hường

Xã có 10/10 thôn được công nhận làng văn hóa, 94% hộ gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Đặc  biệt, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, trong đó nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ xã trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người dân thực hiện việc tang văn minh, lồng ghép nội dung này vào quy ước của thôn, xóm…Đến nay, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào Mường tại các đám tang dần được loại bỏ, tỷ lệ hỏa táng đạt trên 90%. Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ vận động chị em chung tay trồng đường hoa, quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Nhờ vậy, địa phương có khoảng 30 tuyến đường hoa, tuyến đường tự quản, góp phần xây dựng xã Yên Bình trở thành điểm sáng của huyện Thạch Thất trong thực hiện nếp sống văn minh.

Nghệ thuật cồng chiêng – nét đẹp văn hóa của người Mường.

 Ảnh: Sơn Tùng

Cùng với phát triển kinh tế, những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc Mường được xã Yên Bình khơi dậy, phát huy để văn hóa núi rừng không bị mai một theo thời gian. Nghệ thuật cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống của người Mường. Vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Không chỉ người cao tuổi mà ngay cả những cháu nhỏ ở các thôn cũng biết cách đánh cồng chiêng. Xã Yên Bình có 10 thôn thì có tới 13 bộ cồng chiêng, thành lập được 20 đội cồng chiêng. Vào mỗi dịp quan trọng, lễ hội, Tết cổ truyền, tại xứ Mường Yên Bình lại rộn ràng ngân vang tiếng cồng chiêng thay cho lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui.

Mai Phương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *