Văn hóa cơ sở

Bình dị chợ phiên Hà thành

Thăng Long – Hà Nội xưa có tên gọi dân gian là Kẻ Chợ, nghĩa Nôm hàm ý chỉ người ở trong chợ, người đi chợ. Chợ phiên ra đời đã từ rất lâu ở mảnh đất Kinh kỳ, nơi tụ họp buôn bán, giao thương lớn bậc nhất cả nước. Chợ phiên chỉ họp […]

Thăng Long – Hà Nội xưa có tên gọi dân gian là Kẻ Chợ, nghĩa Nôm hàm ý chỉ người ở trong chợ, người đi chợ. Chợ phiên ra đời đã từ rất lâu ở mảnh đất Kinh kỳ, nơi tụ họp buôn bán, giao thương lớn bậc nhất cả nước. Chợ phiên chỉ họp vào các ngày cố định trong tháng tính theo âm lịch cùng với những sản phẩm đặc trưng. Hình ảnh chợ phiên dân dã đã đi vào tâm thức người Việt, như một điều không thể thiếu trong đời sống.

Chợ phiên cũng tấp nập, nhộn nhịp không khí mua bán nhưng không ồn ã, xô bồ như các chợ dân sinh thường nhật. Người buôn có khi còn không cân đong đo đếm mà bán con, bán mớ, bán rọ, bán lồng… Người ở các vùng lân cận cứ đến phiên lại tụ tập, mang đến chợ những thứ hàng hóa mà họ dày công chăm chút. Mỗi phiên chợ còn là dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi phương thức làm ăn.

Người Hà Nội đi chợ phiên không đơn thuần chỉ để bán mua mà còn là đi thưởng thức, ngắm nghía chợ. Người sành mua thì tìm cho mình món hàng chất lượng, những thứ mà chợ ngày thường không có. Cũng có khi các bà, các mẹ ra chợ gặp gỡ, hỏi thăm lẫn nhau, chia sẻ dăm ba câu chuyện nhà hay truyền cho nhau kinh nghiệm chọn mua món ngon, hàng tốt.

 

Chợ phiên ở Hà Nội giờ không còn nhiều và cũng khác xưa. Chợ Bưởi là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội còn lưu giữ hình thức họp chợ phiên. Chợ nằm ở phía Tây bắc của thành phố. Ngày nay, chợ Bưởi thường họp phiên ở đoạn dốc cuối đường Hoàng Hoa Thám, chỗ giao cắt với đường Bưởi. Cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, người dân các khu vực lân cận lại về chợ bán cây cảnh, con giống, nông cụ, vật dụng trồng trọt, sản phẩm làng nghề…

1

Một phiên chợ Bưởi

Mặt hàng chủ lực ở phiên chợ Bưởi là hoa, cây giống từ các làng trồng hoa, cây cảnh ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá. Cùng với chợ Bưởi, chợ Mơ vẫn duy trì hình thức họp phiên vào sáng sớm các ngày 2, ngày 7 âm lịch hàng tháng, cũng bán các loại cây cảnh, vật nuôi nhưng so với chợ Bưởi thì chợ Mơ ít đa dạng các loại giống hơn. Tuy vậy, chợ vẫn là địa chỉ quen thuộc của những người sành chơi thú nuôi, cây cảnh ở Hà thành.

Người Hà Nội giờ tìm đến những phiên chợ vùng ngoại ô như để hoài niệm về một không gian đậm chất quê đồng bằng Bắc Bộ. Đến phiên chợ Nủa cũng vào các ngày âm lịch 2, 7 và chợ Hạ Bằng các ngày 3,5,8,10, 20 ở Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội chỉ chừng 30km, chợt thấy đâu đó khung cảnh làng quê xưa như được tái hiện. Chợ chủ yếu bán đồ nông sản, vật nuôi và đồ dùng gia đình như thúng, mủng, chiếu cói, chổi tre… Gian quà, bánh gợi nhớ về những ngày thơ bé “mong như mong mẹ về chợ”!

Dẫu trải qua thăng trầm thời gian, đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội nhưng văn hóa dân gian truyền thống đậm nét của chợ phiên vẫn tồn tại đan xen giữa không gian phồn hoa của phố thị Hà thành.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *