Tin ngành

Kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke tại Tây Hồ, Ba Vì, Sơn Tây

Vào các ngày 12/4 và 14/4/2023, Đoàn kiểm tra số 3 (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) do Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa Trần Văn Thưởng làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế và làm việc với quận Tây Hồ, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke.

Theo báo cáo của quận Tây Hồ tại buổi làm việc, hiện nay trên địa bàn quận không có cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, có tổng số 03 cơ sở kinh doanh karaoke đang tạm dừng hoạt động do chưa đảm bảo PCCC, 12 cơ sở hát cho nhau nghe. Từ đầu năm 2018 đến nay, quận không cấp Giấy phép kinh doanh karaoke mới nào. Trên địa bàn quận có 01 biển quảng cáo tấm lớn đứng độc lập có phép nằm trong quy hoạch của Thành phố, 24 biển quảng cáo ốp vào hông tường có phép của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, 02 biển quảng cáo trên cầu vượt cho người đi bộ, 69 biển hộp đèn quảng cáo trên dải phân cách, 09 biển hộp đèn Led trên vườn hoa, 01 bảng quảng cáo màn hình Led trên 40m2, đèn Led dạng dây của 03 tòa nhà chung cư cao tầng, 03 cụm pano tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, 40 pano nhỏ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Đoàn kiểm tra thực tế và làm việc tại quận Tây Hồ

Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cưỡng chế xử lý, tính đến thời điểm hiện nay, quận đã tiến hành kiểm tra yêu cầu dừng hoạt động 03 cơ sở kinh doanh karaoke do chưa đáp ứng về phòng cháy chữa cháy; lập biên bản dừng hoạt động kinh doanh 15 cơ sở hát cho nhau nghe trên địa bàn phường Tứ Liên; Lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 09 cơ sở hát cho nhau nghe tổng số tiền 105.000.000 đồng. Lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa quận, phường duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý các biển hiệu, quảng cáo, băng zôn, phướn không phép trên địa bàn. Đã kết hợp với UBND phường Quảng An, Phường Phú thượng, Công an phường tiến hành quy trình lập biên bản, xử lý 03 trường hợp bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn. Kết hợp Ban Chỉ đạo 197 Quận, BCĐ 197 các phường đã tổ chức các đợt ra quân kiểm tra xử lý vi phạm tuyến phố điểm về quảng cáo văn minh đô thị trên địa bàn quận. Kết quả thu giữ: 526 biển các loại (biển quảng cáo, khẩu hiệu, khung sắt…), xử lý bóc dỡ trên 186 tờ quảng cáo rao vặt trên tường, tại các cột điện và gốc cây, dỡ bỏ 25 băng zôn… Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và sắp xếp, duy trì chống tái lấn chiếm, tập trung xử lý các vi phạm như chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, ô dù, biển quảng cáo, rao vặt trái phép.

Báo cáo tại buổi làm việc, trên địa bàn huyện Ba Vì, hiện nay có tổng số 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke (trong đó có 37 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động đã bị đình chỉ và 13 cơ sở được cấp phép trước năm 2017 đang tạm đình chỉ). Trên địa bàn huyện có 585 biển quảng cáo đứng độc lập; 1945 biển quảng cáo tại mặt tiền công trình, nhà ở; 235 biển quảng cáo tại hông công trình, nhà ở; 165 bảng trên nóc công trình, nhà ở; 3455 biển hiệu và không có quảng cáo tại dải phân cách, nhà chờ xe bus, màn hình điện tử chuyên quảng cáo LED. Về biển hiệu có 3946, vị trí các biển quảng cáo, biển hiệu chủ yếu dọc theo tuyến đường 32 và đường 414.

Đoàn kiểm tra làm việc tại huyện Ba Vì.

Trong công tác kiểm tra, xử lý, Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Ban chỉ đạo 197 của huyện thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện và các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh có biển hiệu, bảng quảng cáo và yêu cầu viết cam kết thực hiện đúng quy định. Hàng tuần các xã, thị trấn tổ chức ra quân kiểm tra, tháo dỡ các biển hiệu, băng rôn quảng cáo, quảng cáo rao vặt sai quy định. Kết quả đã tháo dỡ được hơn 352 băng rôn, 260 bảng quảng cáo vì phạm; bóc xóa hàng trăm phương tiện quảng cáo rao vặt. Huyện cũng chỉ đạo các ngành Công an, Văn hóa và Thông tin, UBND xã, thị trấn kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, xử phạt vi phạm hành chính 24 cơ sở với số tiền 770.750.000 đồng; đình chỉ 37 cơ sở, tạm đình chỉ 13 cơ sở.

Tại thị xã Sơn Tây, theo báo cáo tại buổi làm việc, trên địa bàn thị xã có 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh karaoke. Trong đó, 33 cơ sở không đảm bảo về các điều kiện kinh doanh đã đình chỉ hoạt động; 01 cơ sở đang xin ý kiến để ra quyết định đình chỉ. Trên địa bàn hiện có 1.667 biển quảng cáo, trong đó có 32 bảng quảng cáo đứng độc lập; 1.205 bảng quang cáo đặt tại mặt tiền; 172 biển đặt bên hông công trình nhà ở; 138 đặt trên nóc công trình nhà ở; 120 biển quảng cáo màn hình chạy chữ điện tử; 3.290 biển hiệu kết hợp quảng cáo. Từ tháng 7/2022 đến nay, thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức kiểm tra các tổ chức, các nhân có hoạt động kinh doanh quảng cáo sai quy định; tháo dỡ, thu dữ 223 biển hiệu kết hợp quảng cáo vi phạm; tháo dỡ hơn 70 phướn quảng cáo vi phạm trên các tuyến phố chính trên địa bàn. Xử lý vi phạm đối với kinh doanh dịch vụ karaoke không đảm bảo về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy với 02 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 30.000.000 đồng; xử lý vi phạm đối với 02 cơ sở quảng cáo trái phép, tổng số tiền xử phạt là 70.000.000 đồng.

Đoàn kiểm tra làm việc tại thị xã Sơn Tây

Qua buổi làm việc, quận Tây Hồ đề nghị với Thành phố cần sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke; bổ sung quy định về có thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Bổ sung Giấy phép xây dựng công trình vào thành phần hồ sơ cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Ban hành văn bản quy định, quản lý đối với loại hình “Hát cho nhau nghe”. Sớm ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đề nghị Thành phố giao cho UBND Quận xây dựng Đề án cấp phép treo băng rôn, QCRV theo vị trí quy định cụ thể để dễ quản lý, không gây mất mỹ quan đô thị. UBND Quận có quy định về cốt, kích thước biển hiệu phù hợp với từng tuyến phố đảm bảo mĩ quan đô thị và tuân thủ quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua thực tế quản lý ở cơ sở, UBND thị xã Sơn Tây kiến nghị UBND Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn về việc tiếp tục cấp mới, cấp đổi giấy phép kinh doanh karaoke để UBND thị xã trả lời công dân, tránh việc các hộ kinh doanh có ý kiến về việc không được tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp. Tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên môn công tác quản lý hoạt động quảng cáo, thông tin tuyên truyền tại các cơ sở. Đề nghị phân cấp quản lý cấp phép banzon và bảng quảng cáo dưới 20m cho quận, huyện, thị xã. Đề nghị Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, xử lý việc thực hiện quảng cáo, viết, đặt biển hiệu.

Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke; tiếp thu các kiến nghị của quận, huyện, thị xã và sẽ tổng hợp báo cáo Thành phố. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường chấn chỉnh việc treo, đặt các biển bảng quảng cáo, biển hiệu; kiểm tra, thống kê, tổng rà soát các bảng biển vi phạm; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo. Đồng thời rà soát lại, thống kê, phân loại chi tiết, đầy đủ các loại hình hoạt động, các bảng biển quảng cáo, biển hiệu… để Sở Văn hóa và Thể thao có căn cứ chính xác tổng hợp báo cáo Thành phố…

Huyền Nhâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *