Tin ngành

Kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy tại Sở Du lịch

Sáng 14/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU do Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì, tiến hành kiểm tra tại Sở Du lịch về việc triển khai, thực hiện Chương trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham gia đoàn kiểm tra có Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình số 06-CTr/TU, Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Vũ Thu Hà.

Du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19
Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025, ngành du lịch của Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi ấn tượng sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Theo số liệu thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước. Ngành Du lịch đã vượt trên 50% tất cả chỉ tiêu phát triển du lịch cả năm 2023, trong đó lượng khách du lịch quốc tế dự kiến đạt 75% mục tiêu cả năm.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, Ngành Du lịch Thủ đô đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Sở cũng đã tập trung chỉ đạo tiến hành rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: tích cực triển khai công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; xem xét các dự án liên quan đến tổng thể quy hoạch phát triển du lịch gắn với các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng của Thành phố. Đến nay, một số chỉ tiêu phát triển du lịch tại quy hoạch đã đạt vượt kế hoạch đề ra. Chỉ đạo thực hiện cung cấp thông tin quy hoạch kiến trúc, giới thiệu địa điểm để kêu gọi đầu tư dự án phát triển du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã chủ động khảo sát các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú, công viên, khu vui chơi giải trí,… có tiềm năng phát triển du lịch. Trên cơ sở đó xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tại địa phương.
Sở đã lập danh mục dự án báo cáo Thành phố kêu gọi đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch; Chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực của ngành gồm công chức quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, lái xe và người phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch…, tập huấn các kỹ năng phục vụ khách du lịch và kỹ năng ứng xử văn minh du lịch,… Sở Du lịch hiện đang tiến hành triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch; Triển khai nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô như: các sản phẩm du lịch đêm; mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch golf, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe…
Ngoài ra, Sở cũng xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hoá, điểm đến du lịch gắn với di sản văn hoá; Nghiên cứu triển khai tuyến du lịch đường thuỷ của Thành phố và các vùng lân cận; Tổ chức các sự kiện thường niên về du lịch; Xây dựng các mô hình làng nghề du lịch đồng bộ với quy hoạch, cung cấp đầy đủ các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, đa dạng các hoạt động trải nghiệm, gắn kết chặt chẽ trong các vùng du lịch trọng điểm của Thủ đô; Triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch; Tăng cường mở rộng thị trường, kết nối hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trong xây dựng và phát triển các loại hình du lịch văn hoá; Tham gia và tổ chức các chương trình xúc tiến giới thiệu điểm đến nhằm quảng bá sản phẩm du lịch văn hoá và các loại hình du lịch thế mạnh của Thủ đô.
Tại buổi làm việc, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Tài chính… đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch, chuyển đổi số trong QLNN về du lịch, số hóa hệ thống thông tin về các khu du lịch, điểm du lịch, xây dựng phần mềm ứng dụng tra cứu thông tin tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ quản lý, phục vụ khách du lịch…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh đóng góp ý kiến tại buổi làm việc

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, du lịch văn hóa là 1 trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Sở VHTT và Sở Du lịch hiện đang tập trong vào du lịch di sản, mà phải kể đến là di sản Hoàng thành Thăng Long, 21 di tích quốc gia đặc biệt, 38 lễ hội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều mô hình du lịch di sản tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám với một không gian sáng tạo, giáo dục truyền thống hiếu học; di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long với sản phẩm tour đêm. Nhiều quận, huyện, thị xã đã có những tư duy đổi mới trong việc đầu tư, thu hút khách du lịch như thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, quận Hoàn Kiếm…
Sau khi nghe các ý kiến của đoàn kiểm tra, từ góc độ quản lý và thực tiễn, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho hay: Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng phát triển du lịch. Đặc biệt, Hà Nội có quy hoạch du lịch nhưng chưa phù hợp thực tiễn.

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang

Sở Du lịch đã đề xuất, kiến nghị với HĐND Thành phố, UBND Thành phố quan tâm về việc xây dựng, trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao…) trên địa bàn TP Hà Nội. Quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại về thủ tục đất đai, đầu tư liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, loại hình cơ sở lưu trú khách sạn nghỉ dưỡng nhỏ, homestay.

Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nội gắn với giá trị di sản văn hóa
Từ ý kiến của Sở Du lịch, các cơ quan, đơn vị trong đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình số 06-CTr/TU Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự tham gia của tất cả các ngành và các địa phương. Nhưng ngành Du lịch phải là đầu mối để triển khai thực hiện đồng bộ các công việc. “Chương trình 06 và Nghị quyết 09 của Thành uỷ xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch văn hoá Hà Nội. Trong đó trọng tâm là giá trị của di sản và giá trị văn hoá tiêu biểu của Hà Nội. Tổng thể về phát triển du lịch cần có Nghị quyết cho giai đoạn tiếp theo, một chiếc lược dài hơn, cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình số 06-CTr/TU Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đề nghị: Riêng nội dung về cơ chế đặc thù, Sở Du lịch cần đề xuất cụ thể bằng văn bản, tờ trình để UBND TP giao các ngành, để ra các sản phẩm cụ thể, trình HĐND vào kỳ họp cuối năm… Cùng với đó, Sở Du lịch cần khẩn trương đề xuất để UBND TP giao nhiệm vụ và bố trí kinh phí xây dựng và vận hành hệ thống trang du lịch Hà Nội, đảm bảo một đầu mối xuyên suốt và vận hành chuyên nghiệp, bao gồm của cả 30 quận, huyện, thị xã…; Đài Truyền hình Hà Nội cần xây dựng kênh riêng về du lịch văn hoá Hà Nội để khớp nối tất cả sản phẩm du lịch. Riêng nhóm về đầu tư, từ chủ trương đầu tư các dự án, đặc biệt các di tích, vườn hoa, công trình văn hoá cần kèm theo phương án khai thác sử dụng hiệu quả, gắn với công nghiệp văn hoá và du lịch. UBND cũng đã giao Sở VHTT nghiên cứu phương án đầu tư 6 nhà hát để nâng cao hiệu quả, kèm theo đó là các phương án khai thác trên cơ sở đặt hàng các sản phẩm. Ngoài ra, trên cơ sở các điểm đến tour đang khai thác, Sở Du lịch, Sở VHTT và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tập trung rà soát, hoàn thiện các tour du lịch để có sự liên kết, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả cho các tour, tuyến du lịch; Thống kê, phân tích, đánh giá đóng góp của ngành công nghiệp văn hoá và du lịch trong GRDP của Thành phố; Rà soát vị trí việc làm về lĩnh vực du lịch tại các quận, huyện, thị xã…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong – Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU đánh giá: Sở Du lịch đã nỗ lực trong triển khai Chương trình 06-Ctr/TU, Nghị quyết 09 của Thành uỷ bằng nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo. Vì vậy, sau 2 năm đại dịch, du lịch Hà Nội đã phục hồi khá mạnh mẽ với những sản phẩm, mô hình mới xuất hiện trên địa bàn Thành phố… góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố, nhất là giúp cho tỷ trọng dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng tới 65,88%… Thời gian tới, Sở Du lịch cần quan tâm đến việc quy hoạch du lịch, bởi, quy hoạch du lịch là quy hoạch đặc thù, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong – Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU kết luận tại buổi làm việc.

Về kế hoạch dài hạn, Sở Du lịch cần tham mưu để sơ kết Nghị quyết 06-NQ/TU để có giải pháp cho giai đoạn tới thay đổi, mạnh dạn hơn. Trong đó tập trung vào việc tham mưu Thành phố quan điểm mới, vượt ra ngoài cách thức, tư duy cũ, thậm chí là mục tiêu về du lịch Hà Nội. “Đã xác định là Thành phố toàn cầu, xác định du lịch văn hoá là mũi nhọn, là trọng tâm thì cần phải có cách thức tiếp cận, giải pháp khác” – Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong – Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU chia sẻ.
Cần tổng hợp các cơ chế chính sách liên quan đến 3 nhóm: Nhóm 1 là cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển cộng đồng và những điểm đến gắn với làng xã, địa phương. Nhóm 2 là chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn cho các khách sạn đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện quốc tế. Nhóm 3 là tham mưu chính sách cùng với Sở VHTT để tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, thể thao, du lịch quốc gia và quốc tế mang tính chất thường niên.
Bên cạnh những nội dung trên, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong – Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU đề nghị Sở Du lịch và các Sở, ngành nghiên cứu mô hình mỗi làng, xã là một điểm đến du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; mạnh dạn truyền thông quốc tế theo thị trường khách du lịch tiềm năng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, tham mưu tổ chức giải thưởng du lịch của Thành phố dành cho doanh nghiệp, cộng đồng, làng nghề, hiệp hội…

Thúy Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *