Văn hóa

Làng nghề cổ truyền bên sông Nhuệ

Xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, đây là một xã có nghề đan cỏ tế, mây giang đan từ hơn 400 năm nay. Những sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn có tính thẩm mỹ rất cao, như làn mây, giỏ mây, lẵng hoa bằng cỏ tế, túi xách và các đồ gia dụng bằng giang, nứa …

Đến Phú Túc, từ đường làng, ngõ xóm ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều sản phẩm mây, giang, cỏ tế được phơi, từ nguyên liệu thô đến những sản phẩm tinh xảo. Trong làng, vào bất cứ nhà nào, khách cũng gặp hình ảnh những người ngồi chuốt, guột cỏ, giang, cả già, trẻ, trai, gái. Theo bà Nguyễn Thị Sáu, 87 tuổi, làng Lưu Thượng thì người già nhất còn làm nghề ở Phú Túc hiện đã ngót nghét gần trăm tuổi, còn trẻ nhất là những em bé mới lên 6, lên 7, bản thân bà đã có gần 80 năm làm nghề.

Một cơ sở sản xuất ở Phú Túc

Đình Lưu Thượng, nơi thờ tổ nghề guột tế

      Từ những sản phẩm nhỏ bé, tưởng như giản đơn này đã giúp cho Phú Túc có cuộc sống khấm khá, người dân luôn có việc làm và thu nhập. Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều nhà có ô tô, biệt thự, trong xã có nhiều nhà xưởng, công ty làm ăn phát đạt…. Theo lãnh đạo địa phương, hiện Phú Túc có hơn 30 doanh nghiệp, 10 tổ hợp sản xuất, hàng trăm hộ sản xuất nhỏ lẻ, thu hút hàng vạn lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập từ làm nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương  rất cao, năm 2018 đạt  237,6 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017.

Về nghề guột tế của Phú Túc, nhân dân truyền lại rằng, vào thế kỷ 17, nơi đây dân cư thưa thớt, đất đai hoang vu, mọc đầy cỏ dại, trong đó có loài cỏ tế.  Có người phụ nữ họ Nguyễn, tên Thảo Lâm đến an cư lập nghiệp đã phát hiện loại cỏ có thể đan lát thành đồ dùng và đánh bắt cá, cua. Bà đã làm và truyền dạy cho nhân dân, đến nay qua nhiều đời, nghề đan guột tế vẫn được dân Phú Túc giữ gìn, phát triển. Ghi ơn người phụ nữ đó, nhân dân đã tôn bà là tổ nghề và thờ phụng bà tại đình làng Lưu Thượng, hàng năm vào ngày 16/10 âm lịch tổ chức giỗ tổ nghề. Đình Lưu Thượng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Để có được những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, thu hút người mua, khâu nguyên liệu đóng vai trò khá quan trọng. Nay Phú Túc không còn loài cỏ tế nữa, vì vậy phải nhập nguyên liệu ở các nơi, chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang…Nguyên liệu khi được nhập về sẽ phân loại rồi phơi ít nhất 3 nắng để đạt độ dẻo dai và màu sắc bắt mắt nhất, sau đó được sơ chế, phân loại sợi to, nhỏ sao cho vừa với mẫu mã. Qua bàn tay người thợ, các nguyên liệu được tạo hình, tạo kiểu, sản phẩm sẽ được làm sạch rồi đem nhúng qua lớp dầu keo để cho có độ bền cao nhất, phơi thêm 2 nắng hoặc sấy khô để giúp sản phẩm lên màu, bền, đẹp, sau đó mới được đem đi tiêu thụ. Sản phẩm thủ công bằng chất liệu cỏ tế được người Phú Túc làm nhiều nhất. Cỏ tế có mùi thơm đặc trưng, rất mềm và dai, có thể sử dụng hơn 20 năm mới hỏng. Chính vì vậy mà những sản phẩm này vừa giản dị, hoang dã mà vẫn rất hiện đại, mang đặc trưng riêng của Phú Túc.

Không chỉ phát triển làng nghề, đời sống tinh thần ở Phú Túc cũng rất được quan tâm.

      Hiện Phú Túc đã làm được gần 2.000 mẫu sản phẩm, luôn giành được sự ưa chuộng  trên thị trường trong nước và ở 20 quốc gia trên thế giới. Phú Túc có 8 làng thì cả 8 làng đều được công nhận là làng nghề truyền thống. Riêng làng Lưu Thượng, làng có đông người làm nghề nhất và là nơi đầu tiên làm ra sản phẩm cỏ tế đã lập ra Hiệp hội nghề cổ truyền cỏ tế Phú Túc.

Thanh Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *