Điện ảnh

Lễ khởi chiếu phim tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại Rạp 2-9 Sơn Tây

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, với tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008-1/8/2023), Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lễ khởi chiếu phim và Trưng bày giới thiệu các tác phẩm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội – Khát vọng phát triển”. Đây là hoạt động chính thức nhằm đưa Rạp 2-9 Sơn Tây vào sử dụng phục vụ Nhân dân…

Sáng ngày 11/7, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lễ khởi chiếu phim tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại Rạp 2-9 Sơn Tây.

 Lễ khởi chiếu phim thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Dự Lễ khởi chiếu phim có đại biểu Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tổ chức gồm: Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng; Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh; tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa Thành phố; các đồng chí nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố… Đại biểu thị xã Sơn Tây gồm: Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây; đại diện các ban, ngành, đoàn thể và người dân thị xã Sơn Tây.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng

Phát biểu khai mạc Lễ khởi chiếu phim, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh tự hào cho biết: Rạp 2-9 Sơn Tây do gia đình ông Bắc xây dựng trước năm 1945. Sau giải phóng, gia đình ông Bắc đã hiến Rạp cho Nhà nước quản lý để phục vụ Nhân dân thị xã Sơn Tây và các vùng lân cận. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng được giao nhiệm vụ quản lý. Trải qua thời gian dài khai thác và sử dụng, Rạp 2-9 bị xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho khán giả đến xem phim, năm 2006, Rạp 2-9 ngừng hoạt động để chờ sữa chữa, cải tạo, nâng cấp. Năm 2015, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đưa Rạp 2-9 vào hạng mục sửa chữa, chống xuống cấp, giao cho Ban Quản lý dự án của Sở là pháp nhân đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện. Cuối năm 2016, công trình được hoàn thành với diện mạo mới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thực hiện việc sáp nhập giảm bớt đầu mối, Ban Quản lý dự án Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sáp nhập với các Ban Quản lý công trình xây dựng của các sở, ngành thành đơn vị trực thuộc Thành phố. Việc quyết toán nghiệm thu công trình Rạp 2-9 chưa được hoàn thiện để bàn giao, đưa vào sử dụng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh phát biểu khai mạc

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 14/4/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức lại Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng và Quỹ Văn hóa Hà Nội. Từ 2017 đến nay, Rạp 2-9 là trụ sở làm việc của Đội chiếu bóng Sơn Tây và Ba Vì (thuộc Trung tâm Văn hóa Thành phố).

Căn cứ Kết luận của HĐND, UBND thành phố Hà Nội về giải quyết những ý kiến của cử tri thị xã Sơn Tây, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã sát sao quan tâm chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khắc phục những tồn tại, hoàn thiện hồ sơ và các quy trình nghiệm thu theo quy định của Nhà nước để đưa Rạp 2-9 vào khai thác hoạt động. Tới nay, công việc đã hoàn thành, Rạp 2-9 sẽ là nơi tổ chức chiếu phim tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giáo dục tư tưởng, truyền thống lịch sử, văn hóa, củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội; là nơi tổ chức các tuần phim gắn với những hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị của Thủ đô, đất nước.

“Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, với tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008-1/8/2023), Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lễ khởi chiếu phim và Trưng bày giới thiệu các tác phẩm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội – Khát vọng phát triển”. Đây là hoạt động nhằm chính thức đưa Rạp 2-9 Sơn Tây vào sử dụng phục vụ Nhân dân” – Giám đốc Lý Thị Thúy Hạnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng phát biểu cảm ơn 

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng tặng hoa chúc mừng 

Phát biểu tại Lễ khởi chiếu phim, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chia sẻ: Rạp 2-9 Sơn Tây gắn liền với rất nhiều ký ức, kỷ niệm của cán bộ và Nhân dân thị xã Sơn Tây suốt nhiều năm qua, đã đóng góp vào sự phát triển văn hóa của thị xã Sơn Tây. Rạp 2-9 được cải tạo với diện mạo như ngày nay sẽ góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nói chung cũng như loại hình nghệ thuật Điện ảnh nói riêng, đáp ứng nhu cầu, lòng mong mỏi của cán bộ và Nhân dân thị xã Sơn Tây, đặc biệt là thanh thiếu niên. Được sự quan tâm của Trung tâm văn hóa Thành phố nên thị xã Sơn Tây mới được thụ hưởng thành quả này, vì thế cần tích cực phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố để Rạp 2-9 đi vào hoạt động được tốt hơn.

Đưa Rạp 2-9 vào hoạt động đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ và Nhân dân thị xã Sơn Tây

Ông Hồng Duy Tiến thường trú tại phường Lê Lợi – nơi có Rạp 2-9 đứng chân cũng phấn khởi cho biết: “Công tác tại Rạp 2-9 từ những năm 1960, tôi nghỉ hưu lâu rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn đi qua Rạp 2-9 để xem Rạp thay đổi như thế nào. Giờ đây, Rạp 2-9 được Trung tâm Văn hóa Thành phố cải tạo, đầu tư về cơ sở vật chất, phim ảnh, con người, tôi hy vọng Rạp 2-9 sẽ luôn luôn sáng đèn, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của người dân thị xã Sơn Tây nói chung, phường Lê Lợi nói riêng”.

Đại biểu tham quan Trưng bày giới thiệu các tác phẩm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội – Khát vọng phát triển”

Công chiếu bộ phim truyện “Bình minh đỏ”

Tại Lễ khởi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, Trung tâm Văn hóa Thành phố công chiếu bộ phim truyện “Bình minh đỏ” của Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – Trần Chí Thành. Chuyện phim xoay quanh bốn nhân vật: Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh). Họ là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Mỗi cô gái tuổi đôi mươi ấy đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng nhưng đều chung quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng… Đạo diễn đã kể rất chân thực và bình dị về cuộc chiến đẫm máu nhưng không bi thảm. Phim rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ, thời gian càng lùi xa thì phim sẽ càng giá trị như một cứ liệu lịch sử sống động thông qua nghệ thuật.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *