Tin ngành

Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội 2023 đã thành công tốt đẹp

Liên hoan năm nay có đầy đủ các thể loại sân khấu như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói. Những diễn viên xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, họ đến với Liên hoan bằng niềm đam mê nghệ thuật nồng cháy, tự tin, cống hiến hết mình, không vì tiền bạc, không vì bất cứ một danh hiệu nào. Bỏ qua những bộn bề lo toan của cuộc sống, họ bước lên sân khấu như những diễn viên thực thụ với lối diễn giản dị, mộc mạc, để lại ấn tượng cho người xem…

Sáng 8/11, được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023 và triển khai dự kiến Kế hoạch công tác phong trào cơ sở năm 2024.

Liên hoan để lại cho khán giả Thủ đô nhiều cung bậc cảm xúc

Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023 được phát động từ tháng 4/2023. Các đơn vị Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận, huyện, thị xã đã căn cứ Kế hoạch, Quy chế của Liên hoan, xây dựng nội dung chương trình, tổ chức tập luyện chu đáo để tham gia Chung khảo Liên hoan cấp Thành phố.

Chung khảo Liên hoan cấp Thành phố có sự tham gia của các diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng đến từ 18 đơn vị quận, huyện, thị xã. Liên hoan được tổ chức tại 2 Cụm Cơ sở: Cụm 1, tối 11/10 tại Trung tâm Văn hóa Thành phố (số 7 – Phùng Hưng – Hà Đông); Cụm 2, buổi chiều và tối 12/10 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng. Mỗi đơn vị quận, huyện, thị xã dự thi 1 trích đoạn vở diễn Sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương…) hoặc 1 tiểu phẩm Sân khấu (Kịch ngắn, Kịch vui), thời lượng chương trình từ 20 – 35 phút.

Các đại biểu dự Tổng kết Liên hoan

Đánh giá về nghệ thuật cuộc Liên hoan, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan phấn khởi nhận định, Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023 thành công ngoài mong đợi. Các đơn vị tham gia Liên hoan có sự đầu tư công phu, tập luyện chỉn chu, nghiêm túc. Liên hoan đã để lại cho Ban Giám khảo cũng như khán giả Thủ đô nhiều cung bậc cảm xúc. Liên hoan năm nay có đầy đủ các thể loại sân khấu như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói. Những diễn viên xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, họ đến với Liên hoan bằng niềm đam mê nghệ thuật nồng cháy, tự tin, cống hiến hết mình, không vì tiền bạc, không vì bất cứ một danh hiệu nào. Bỏ qua những bộn bề lo toan của cuộc sống, họ bước lên sân khấu như những diễn viên thực thụ với lối diễn giản dị, mộc mạc, để lại ấn tượng cho người xem.

Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan Nguyễn Hoàng Tuấn đánh giá nghệ thuật 

Liên hoan Sân khấu không chuyên năm 2023, với các thể loại như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói. Mỗi đội thi có thể thoải mái lựa chọn thể loại phù hợp với đội mình, miễn sao phát huy được sở trường mạnh nhất. Qua hai ngày thi, Ban Giám khảo nhận thấy các đội thi đã lựa chọn đề tài và thể loại rất chính xác, phù hợp với tiềm lực của đội mình.

Ở thể loại Kịch nói, Liên hoan năm nay có nhiều vở Kịch ngắn, tiểu phẩm phản ánh được những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng hôm nay hay những vở Kịch ngắn về đề tài chiến tranh, phòng chống tệ nạn xã hội… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Ở thể loại Tuồng – một thể loại khó nhưng thật đáng mừng trong Liên hoan Sân khấu không chuyên năm 2023 đã xuất hiện những Trích đoạn Tuồng kinh điển, với lực lượng diễn viên không chuyên tuổi khá cao nhưng tinh thần, lòng đam mê, sự máu lửa thật sự đáng kính nể. Các diễn viên tuy tuổi cao nhưng sức diễn vẫn đầy nội lực, giọng ca sang sảng, gần như không còn khoảng cách với diễn viên chuyên nghiệp. Đây là những nhân tố đáng quý cho nguồn lực Sân khấu không chuyên.

Ở thể loại Chèo được các đội lựa chọn nhiều. Có vẻ như đây là loại hình sở trường của các đội văn nghệ quần chúng Thủ đô. Các đội tỏ ra khá mạnh về loại hình này khi các tiểu phẩm thuộc thể loại Chèo rất phong phú và đa dạng, có nhiều nhân tố nổi trội cả về hát và diễn.

Ở thể loại Cải lương – thể loại này khá khiêm tốn trong Liên hoan Sân khấu không chuyên năm nay. Dù ít hay nhiều thì ở loại hình này, các đội cũng đã tỏa sáng và để lại những ấn tượng khó quên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Giám khảo Nguyễn Hoàng Tuấn cũng nêu ra một số hạn chế cần rút kinh nghiệm trong Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023: Nhiều tiết mục còn rườm ra, thiếu hấp dẫn, không có tính hành động, phong cách biểu diễn còn tùy tiện. Bên cạnh đó, công tác hậu trường còn lộn xộn, mất trật tự trong cánh gà, không tắt Micro khi vào sân khấu, nói ra ngoài loa trong lúc bạn đang diễn, làm ảnh hưởng đến chương trình dự thi… Trưởng Ban Giám khảo hy vọng mỗi thành viên trong đội văn nghệ của các quận, huyện, thị xã luôn giữ mãi ngọn lửa đam mệ nghệ thuật của mình để đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở ngày càng phát triển.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan đánh giá về công tác tổ chức: Ban Tổ chức nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận 18/30 đơn vị đã rất nỗ lực hưởng ứng các hoạt động của Thành phố. Vì mục tiêu chung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nâng cao phong trào hoạt động Sân khấu không chuyên nói chung, các đơn vị đã đồng hành cùng Trung tâm Văn hóa Thành phố để triển khai cuộc Liên hoan này đầy trách nhiệm. Đứng về công tác tổ chức, với việc tổ chức tại 2 Cụm Cơ sở là Trung tâm Văn hóa Thành phố và Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trân trọng cảm ơn lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, các ngành chức năng phối hợp tích cực trong Liên hoan, đã huy động đông đảo người yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống trên địa bàn huyện Đan Phượng đến cổ vũ Liên hoan, một trong những yếu tố làm nên thành công của Liên hoan. Còn tại Cụm Trung tâm Văn hóa Thành phố, Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan cảm ơn sự chia sẻ, hưởng ứng của Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Hà Đông và hội viên Người cao tuổi quận Hà Đông, là đối tượng khán giả cổ vũ nhiệt tình cho Liên hoan. Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan rất vui khi một số đơn vị đưa được nhân tố mới là các bạn trẻ tiếp cận, trải nghiệm các vai diễn kinh điển của nghệ thuật Chèo truyền thống, đó là thành công của Liên hoan…

Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Lý Thị Thúy Hạnh đánh giá về công tác tổ chức

Ghi nhận những đóng góp của các đơn vị tại Liên hoan Sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã Quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 48 giải tại Liên hoan, trong đó có 2 giải Nhất, 9 giải Nhì, 7 giải Ba và 30 giải Khuyến khích chuyên đề.

2 giải Nhất: Trích đoạn chèo: “Tìm về một bài thơ” – huyện Đông Anh; Trích đoạn Kịch vui: “Cây Cau” – quận Hoàng Mai.

9 giải Nhì: Hoạt cảnh Chèo: “Gặp lại người xưa” – quận Hai Bà Trưng; Trích đoạn Chèo: “Thị Mầu lên chùa”- quận Hà Đông; Chèo: “Chuyện tình làng Vũ Đại”- huyện Đan Phượng; Tuồng: “Nước mắt người viễn khứ”- huyện Quốc Oai; Kịch ngắn: “Ngôi nhà hạnh phúc” – quận Ba Đình; Trích đoạn Chèo: “Lá thư để lại”- huyện Thanh Trì; Kịch ngắn: “Giàu giả, nghèo thật”- huyện Sóc Sơn; Kịch ngắn, Kịch vui: “Tình làng nghĩa xóm”- huyện Gia Lâm; Kịch ngắn: “Giấc mơ được làm người”- quận Cầu Giấy.

7 giải Ba: Trích đoạn Chèo: “Tin mừng nơi đảo xa”- quận Bắc Từ Liêm; Kịch ngắn: “Hoa vàng trên cỏ xanh” – thị xã Sơn Tây; Kịch ngắn: “Trách nhiệm không của riêng ai”- quận Long Biên; Kịch ngắn: “Một thời lầm lỗi” – huyện Chương Mỹ; Trích đoạn Chèo: “Việc làng”- huyện Thạch Thất; Trích đoạn Tuồng: “Ông già cõng vợ đi xem hội”- quận Hoàn Kiếm; Kịch ngắn: “Bài học đắt giá”- quận Thanh Xuân.

 Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Lý Thị Thúy Hạnh trao giải Nhất cho huyện Đông Anh và quận Hoàng Mai

Các đơn vị đạt giải Nhì

Các đơn vị đạt giải Ba

30 giải Khuyến khích Chuyên đề: Giải Vở diễn được đầu tư dàn dựng tốt: Hoạt cảnh Chèo: “Gặp lại người xưa”- quận Hai Bà Trưng.

Giải Vở diễn bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống: Tuồng “Nước mắt người viễn khứ”- huyện Quốc Oai.

Giải Diễn viên xuất sắc: Minh Hiếu vai Long Cựu chiến binh – huyện Đông Anh; Thu Hương vai Pơ-Liêng – huyện Đông Anh; Quỳnh Vân vai Pơ-Lang- huyện Đông Anh; Thúy Hải vai Bà Tâm – quận Hoàng Mai; Mậu Thành vai Linh – quận Hoàng Mai; Tuấn Anh vai Bí thư Chi bộ Tổ dân phố – quận Hoàng Mai; Ngọc Ánh vai bà Ánh – quận Ba Đình; Nguyễn Hiếu vai ông Hiếu – quận Ba Đình; Nguyễn Phương Linh vai Thị Mầu – quận Hà Đông; Xuân Chiến vai ông Sơn – huyện Sóc Sơn; Quốc Khánh vai Trưởng thôn – huyện Sóc Sơn; Nguyễn Hồng Mến vai bà Hoa – huyện Gia Lâm; Nguyễn Văn Tấn vai ông Tâm – huyện Gia Lâm; Nguyễn Thị Hòa vai bà Tâm – huyện Thanh Trì; Nguyễn Hoàng Hải vai cựu chiến binh Luyện – quận Hai Bà Trưng; Kim Yến vai Thị Nở – huyện Đan Phượng; Công Chí vai Chí Phèo – huyện Đan Phượng; Nguyễn Thanh Trà My vai bà Tình – quận Cầu Giấy; Nguyễn Trọng Mạnh vai Trường – quận Cầu Giấy; NNƯT Thanh Lực vai Đào Duy Từ – huyện Quốc Oai; Hương Lý vai Ngọc Mai – huyện Quốc Oai; Thu Huyền vai bà Tám – thị xã Sơn Tây; Đỗ Ngọc Anh vai mẹ Đốp – huyện Thạch Thất; Ánh Tuyết vai bà An – quận Thanh Xuân; Đinh Lý vai chiến sĩ Huy – quận Bắc Từ Liêm; Vũ Văn Đức vai chiến sĩ Tiến – quận Bắc Từ Liêm; Trang Nhung vai cán bộ Địa chính – quận Long Biên; Quang Tuấn vai công từ Cả lắp – quận Hoàn Kiếm.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh triển khai dự kiến Kế hoạch công tác phong trào cơ sở năm 2024: Tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc có chủ đề “Âm vang sông Hồng”; Liên hoan “Những ngôi sao thế kỷ”; Liên hoan Giao lưu các Câu lạc bộ Chèo truyền thống…

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *