Lễ hội

Mê Linh với công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024

Năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết, thành lập Ban tổ chức để chỉ đạo, quản lý và điều hành nhằm đảm bảo cho các lễ hội của năm và nhất là những lễ hội Xuân Giáp Thìn được diễn ra lành mạnh và an toàn.

Lễ rước tai Lễ hội Đền Hai Bà Trưng – Mê Linh – Ảnh:; HNM

Mê Linh có 60 lễ hội được tổ chức

Huyện Mê Linh có 161 di tích, trong đó: 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia Đặc biệt là Đền Hai Bà Trưng; 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 57 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 78 di tích chưa được xếp hạng.

Trên địa bàn huyện có 60 lễ hội và tất cả đều là lễ hội truyền thống. Các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia), Lễ hội Đền – Chùa Chi Đông (tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông), Lễ hội chùa Phù Trì (xã Kim Hoa), Lễ hội đền Hồ Đề (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt), Lễ hội đền Ả Lư Minh Vương (thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt), Lễ hội Đền Thạch Đà (xã Thạch Đà),… Trong đó, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được tổ chức với quy mô lớn và là Lễ hội trọng điểm của huyện Mê Linh. Các lễ hội còn lại do xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố tổ chức, cụ thể: Trong năm có 27 lễ hội cấp xã đăng ký tổ chức; trong tháng Giêng có một số lễ hội diễn ra, như: Lễ hội Đền – Chùa chi Đông (diễn ra từ ngay 15 đến ngày 18 tháng Giêng), lễ hội Chùa Phù Trì, xã Kim Hoa (từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng), lễ hội Đền Thạch Đà (diễn ra từ ngày 9 đến 10 tháng Giêng)… Còn các lễ hội của các đơn vị khác diễn ra rải rác vào các tháng trong năm với quy mô nhỏ, hoặc tổ chức tiệc thường niên.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 được tổ chức trang trọng, an toàn

Diễn ra từ ngày ngày 6 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng là lễ hội Xuân đầu tiên trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo Ban tổ chức, tính đến ngày 10 tháng Giêng, Lễ hội đã đón 350 nghìn lượt khách thập phương đã đến dâng hương và thăm quan tại Di tích Đền Hai Bà Trưng, riêng ngày mồng 6 tháng Giêng đã có hơn 100 nghìn lượt khách đến thăm quan tại Đền.
Theo đánh giá chung, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh năm 2024 được tổ chức trang trọng, đảm bảo an ninh, trật tự. Cụ thể: Các công tác rước kiệu diễn ra đúng theo kế hoạch đã đề ra, công tác an ninh trật tự được bảo đảm an toàn cho đoàn rước. Các hoạt động trò chơi, thi đấu thể thao, văn hóa văn nghệ diễn ra an toàn, lành mạnh đúng quy định. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” rất hấp dẫn và thu hút đông đảo Nhân dân và du khách.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 – Ảnh: CGTĐTTP

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Không chỉ lễ hội Đền Hai Bà Trưng mà các lễ hội Xuân trên địa bàn huyện Mê Linh đều diễn ra lành mạnh, an toàn. Đây là kết quả của việc tăng cường quản lý nhà nước về lễ hội được huyện Mê Linh thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian qua. Đó là:

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Mê Linh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội ở địa phương. Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; hằng năm, kiện toàn Ban quản lý di tích, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, thành lập các Tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa và giá trị lịch sử của lễ hội, đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản.

Các lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, có ý nghĩa. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức những lễ hội có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
Chỉ đạo các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 – Ảnh: Internet

Đối với công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, Mê Linh đã thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn; thực hiện phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình thức.

Hướng dẫn cho các chủ dịch vụ, bến bãi, thái độ ứng xử văn minh, tuân thủ các quy định của Ban tổ chức lễ hội, các quy định về an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội, thực hiện việc niêm yết công khai giá bán các mặt hàng, các phí phục vụ tại lễ hội.
Ban Tổ chức lễ hội phải thực hiện những quy định sau: Không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt bình thường của Nhân dân trong khu vực và ngân sách địa phương; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội đảm bảo đúng quy định. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan; các hành vi tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức. Cấm các hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Có quy hoạch địa điểm hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân tham gia lễ hội. Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử – văn hóa. Không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội. Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 – Internet

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội. Di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân.

Huyện tổ chức biên tập bài viết, bản tin phát trên hệ thống phát thanh cơ sở; xây dựng phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và Thành phố; in ấn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, giới thiệu về di tích. Gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá, tiềm năng điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 – Ảnh: Internet

Tuyên truyền, vận động Nhân dân địa phương và du khách đến dự lễ hội chấp hành những quy định của Ban tổ chức lễ hội và Ban Quản lý di tích. Thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã trong khu di tích. Đối với những lễ hội gắn với các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử tiêu biểu cần bố trí biển chỉ dẫn sơ đồ các khu vực trong khuôn viên, bảng giới thiệu tóm tắt lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật của di tích.

Thời gian qua huyện Mê Linh cũng làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị lễ hội cũng như trong quá trình tổ chức để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vị phạm.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *