Gia đình

Năm 2024 tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ Gia đình văn hóa đạt 88%

Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình, ngày 21/2, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác gia đình năm 2024 với các hoạt động được tổ chức thiết thực, đảm bảo hiệu quả.

Chỉ tiêu xây dựng Gia đình văn hóa năm 2024 đạt tỷ lệ 88%. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Hà Nội đặt ra 23 chỉ tiêu thực hiện trong năm 2024, trong đó tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ đạt Gia đình văn hóa là 88%. Các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn thể thao là 32%; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 43%.

Chỉ tiêu về công tác tuyên truyền thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam bao gồm: Tỷ lệ các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số đạt trên 83%. Tỷ lệ các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại đạt trên 83%. Tỷ lệ các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở đạt trên 83%. Tỷ lệ các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng khu dân cư đạt trên 83%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc đạt trên 83%. Tỷ lệ vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật đạt trên 96%; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình đặt ra các chỉ tiêu: Tỷ lệ số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố đạt trên 40%. Tỷ lệ các kênh chương trình truyền hình, cổng thông tin tuyên truyền của Thành phố, cổng thông tin điện tử các quận, huyện, thị xã có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng và đăng tải thông tin định kỳ đạt trên 40%. Tỷ lệ người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình đạt trên 60%. Tỷ lệ những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe đạt 92%. Tỷ lệ những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực đạt trên 81%. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng đạt trên 90%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đạt 90%. Tỷ lệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình đạt 86%.

Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; việc giáo dục đạo đức, lối sống, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đạt trên 70%. Tỷ lệ hộ gia đình được cung cấp thông tin về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt trên 80%. Tỷ lệ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt trên 80%. Tỷ lệ đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở đạt trên 85%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt 100%.

Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, năm 2024, Hà Nội tập trung hướng dẫn, đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá theo Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hoá nhằm đạt được mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức triển khai Hội nghị, in tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các hoạt động như: lễ kỷ niệm, gặp mặt, tọa đàm, chương trình văn nghệ, thể thao, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn, kiểm tra, giám sát…

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình. 

Sở Văn hoá và Thể thao cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung trọng tâm của Kế hoạch này. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Bố trí, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính trong quá trình triển khai tổ chức các hoạt động thường xuyên của công tác gia đình tại địa phương. Chủ động triển khai các hoạt động công tác gia đình phù hợp theo tình hình tại địa phương; phối hợp, lồng ghép các nội dung công tác gia đình với các phong trào, cuộc vận động. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm năm 2024 và các nhiệm vụ khác phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tô Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *