Chưa được phân loại

Nét đặc trưng làm nên sức hấp dẫn ở Làng cổ Đường Lâm

Có lẽ hiếm nơi nào ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ lại sở hữu nhiều “đặc sản” truyền thống gắn với tên đất, tên làng như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Làng cổ Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi đất “hai vua”. Cho đến nay, Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Bắc Bộ với kiến trúc nhà cửa, cổng làng, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” chùa, miếu, điếm canh…đến những phong tục tập quán lâu đời và các món ăn mang đậm chất truyền thống. Đường Lâm có gần 1.000 ngôi nhà cổ; 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu như: Chùa Mía, đình Mông Phụ, đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng…Những năm qua, Làng cổ Đường Lâm là điểm dừng chân thú vị trên hành trình tìm về di sản văn hóa xứ Đoài. Đến với Làng cổ Đường Lâm, du khách không chỉ thăm quan những ngôi nhà đặc biệt đó mà còn được nhìn ngắm cảnh làng quê thanh bình, yên ả, quên đi sự mệt mỏi, ồn ào nơi phố thị nhộn nhịp.

Nét thanh bình, yên ả ở Làng cổ Đường Lâm.

Bước qua cánh cổng đã nhuốm màu thời gian, ngắm nếp nhà cổ với mái ngói rêu phong, tường đá ong ở Làng cổ Đường Lâm, du khách không quên thưởng thức những sản vật nức tiếng của một vùng quê thuần nông này. Đường Lâm làm du khách nhung nhớ bởi những món ăn làm từ nguyên liệu sẵn có được các thế hệ trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Tương Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, kẹo dồi, chè lam…tạo nên nét đặc trưng có sức hấp dẫn đối với du khách khi về làng cổ Đường Lâm. Khi thăm quan Làng cổ Đường Lâm, du khách rất ấn tượng với hình ảnh những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà cổ. Nghề làm tương ở Đường Lâm đã tồn tại từ xa xưa, cha truyền con nối. Nhà nào cũng có một vài chum tương dành ăn cả năm hay bán cho khách thập phương. Tương Đường Lâm có hương vị rất riêng, ngọt, thơm, bùi, đậm đà khó quên.

 

Ấn tượng với hình ảnh những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà cổ ở Đường Lâm.

Gà Mía cũng là một đặc sản nổi tiếng của Đường Lâm, trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương. Gà Mía là một giống gà quý đã từ bao đời truyền lại, đây là một chủng loại riêng, không giống với bất cứ loại gà nào. Thịt gà Mía thơm, có vị ngọt, đậm, dai, da gà ăn rất giòn. Xưa kia, Đường Lâm còn có tên là Kẻ Mía, vì thế, giống gà quý nuôi tại đây được gọi là gà Mía – đặc sản dùng làm lễ vật dâng cúng thần thánh và cung tiến vua chúa. Ngày nay, gà Mía được người dân bảo tồn nguồn gen và phát triển thành sản phẩm nông nghiệp cao cấp của Đường Lâm.

Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là món kẹo dồi – thức quà quê dân dã từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên, kẹo dồi vẫn được người dân Làng cổ Đường Lâm chăm chỉ làm đã trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến bởi vị bùi bùi, giòn giòn, ngậy ngậy và thơm thơm của nó. Thưởng thức kẹo dồi cùng với ngụm nước vối ấm hoặc chén trà sen Tây Hồ, bạn sẽ cảm nhận được cái hồn cốt của vùng quê xứ Đoài. Sản phẩm ở ngôi làng cổ này mang lại lòng tin cho du khách khi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được sản xuất thủ công.

Ở Đường Lâm có món đặc sản thịt quay đòn không chỉ nổi tiếng về hương vị khác biệt mà còn bởi phương cách chế biến cầu kỳ và độc đáo không kém. Mỗi miếng thịt ba chỉ khoảng 1kg phải mất tới 6 giờ (hoặc nhiều hơn) để chế biến mới tạo ra sản phẩm làm mê mẩn những thực khách. Nếu du khách du lịch Đường Lâm trong thời gian dài thì hãy bỏ chút thời gian để tham gia vào quá trình chế biến món ngon này, để có một trải nghiệm vô cùng lý thú. Sau khi tẩm ướp, thịt được cuốn gọn vào chiếc đòn tre to đã lót lá chuối bên trong (đòn tre phải lớn để thịt ôm trọn một vòng và chỉ dùng tre làm đòn). Trong suốt thời gian quay thịt đều cần phải có người đứng bếp, mới thấy hết sự cầu kỳ của món ăn đặc sản Làng cổ.

Những năm gần đây, Làng cổ Đường Lâm đang thực hiện Dự án phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Các sản phẩm của Làng cổ Đường Lâm được định hướng phát triển theo tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi làng nghề một sản phẩm), được hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Để sản phẩm mang thương hiệu Đường Lâm ngày một phát triển, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân và địa phương, thời gian tới, Đường Lâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn các phương pháp thủ công gia truyền; xây dựng chuỗi cung cấp nguyên liệu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường bồi dưỡng kiến thức về sản xuất sản phẩm du lịch cho người dân, lựa chọn sản vật, quà lưu niệm đặc sắc để phục vụ khách du lịch; xây dựng chương trình dạy nấu ăn món truyền thống của Làng cổ; hướng dẫn làm nông nghiệp; xây dựng nội dung thuyết minh những câu chuyện về văn hóa truyền thống Làng cổ… để tăng tính trải nghiệm, hấp dẫn du khách.

Đức Long

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *