Văn hóa cơ sở

Nét đẹp văn hóa lễ hội chùa Thanh Quả

Lễ hội chùa Thanh Quả hay còn gọi là lễ hội chùa Bốn thôn gồm thôn Minh Kha, Sinh Liên, Sinh Quả (xã Bình Minh) và thôn Tê Quả (xã Tam Hưng), huyện Thanh Oai được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng Giêng, thu hút đông đảo Nhân dân 2 xã và khách thập phương tham dự.

Chùa Thanh Quả, hiệu Sùng Quang Tự được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Ngôi chùa mang một nét đặc trưng riêng vừa thờ Phật, vừa thờ Đức Thượng đẳng phúc thần – Tướng quân Ngô Long thời Hùng Duệ Vương, đời vua thứ 18. Tướng quân Ngô Long sinh ra và lớn lên trên quê hương Thanh Quả, là người văn võ song toàn, lập nhiều chiến công dẹp giặc cứu nước, cứu dân, luôn được Nhân dân sùng bái, ngưỡng mộ. Ngài được phong Thái bảo Kiến Trưởng Quốc Chính.

Lễ hội chùa Thanh Quả diễn ra với phần lễ thành kính, trang nghiêm. Ảnh: TTĐT Thanh Oai

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa nhiều lần bị giặc ngoại xâm đốt phá, cướp bóc nên mất đi cảnh quan nguy nga lộng lẫy vốn có. Cứ mỗi lần giặc phá, Nhân dân Bốn thôn lại xây dựng, tu bổ chùa nhằm gìn giữ giá trị di tích lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Thanh Quả là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi họp bàn kế hoạch chống giặc của cán bộ và du kích địa phương. Từ năm 1954, đặc biệt là từ năm 1975 đến nay, khi đất nước hòa bình, Nhân dân Bốn thôn tích cực công đức để duy tu chùa. Chùa Thanh Quả được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 2007.

Lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương về vui hội. Ảnh: TTĐT Thanh Oai

Trong không khí rực rỡ của những ngày xuân Quý Mão, chính quyền 2 xã Bình Minh và Tam Hưng cùng Nhân dân Bốn thôn tưng bừng tổ chức lễ hội chùa Thanh Quả với phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi. Tại lễ hội có phần lễ dâng hương của Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ 2 xã Bình Minh, Tam Hưng, các ban, ngành, đoàn thể rước lễ vào chùa dâng lên Đức Phật, tiến lễ vào điện Thánh dâng Đức Thánh Ngô Long, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mừng xuân an lạc, quê hương đổi mới, người người được hạnh phúc, ấm no. Phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian… tạo không khí lễ hội náo nhiệt, tươi vui, an toàn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương khi đến du xuân, chiêm bái.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *