Tiêu điểm Hà Nội

Nhiều hoạt động đặc sắc trong tháng “Đại đoàn kết – Cội nguồn dân tộc”

“Đại đoàn kết – Cội nguồn dân tộc” là chủ đề hoạt động trong suốt tháng 11 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Diễn ra từ ngày 01- 30/11/2023 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, chuỗi chương trình mang chủ đề “Đại đoàn kết – Cội nguồn dân tộc” bao gồm các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023.

Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng tham gia trình diễn dân ca dân vũ.

Chương trình tháng 11 “Đại đoàn kết – Cội nguồn dân tộc” có nhiều hoạt động như:

Chương trình hoạt động tại cụm làng của các dân tộc phía Bắc theo tuyến điểm gần nhau: Với không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội). Đồng bào nơi đây có những nét văn hóa dân tộc dân vũ đặc trưng như đàn Tính, hát Then của các dân tộc Tày, Nùng; múa khèn của dân tộc Mông và có một không gian thuận lợi để tái hiện, tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian có sự tương tác của du khách như kéo co, ném pao, đi cà kheo, bập bênh…

Chương trình hoạt động tại cụm các dân tộc phía Bắc cùng một địa phương: Với thế mạnh của làng dân tộc Thái, Khơ Mú là hai dân tộc anh em, gần gũi; cảnh quan đẹp, giàu truyền thống văn hoá bản địa với xoè Thái, ném còn, các điệu múa truyền thống của đồng bào Khơ Mú, những món ăn ẩm thực của hai làng dân tộc đều mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng mà có lẽ nếu thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Những món ăn được chế biến công phu, độc đáo, ẩm thực truyên thống của các dân tộc được xem là cách truyền tải hữu hiệu nhất nét văn hóa dân tộc. Các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên, đặc sắc: Món xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua…

Cộng đồng dân tộc Gia Rai biểu diễn dân ca dân vũ

Chương trình hoạt động tại Tây Nguyên: Trình diễn sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Làng bằng các nhạc cụ truyền thống, dân ca dân vũ, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc truyền thống, các hoạt động trò chơi dân gian kết nối du khách và cộng đồng các dân tộc tăng cường tinh thần giao lưu, học hỏi, đoàn kết nhau cùng phát triển…

Chương trình hoạt động tại làng Nam bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh: Trình diễn sắc màu văn hóa của các nhóm đồng bào Nam Bộ gồm có dân tộc Khmer (Sóc Trăng) giới thiệu nét di sản văn hoá nghệ thuật Rô băm; các điệu Zom vông, lâm lêu…; Các hoạt động giới thiệu trang phục truyền thống, nghề thủ công, các món ăn miền Tây Nam bộ…kết hợp với tín ngưỡng ngôi chùa Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.

Nghệ nhân dân tộc M’nông trình diễn dệt vải 

Chương trình giao lưu “Bài ca kết đoàn” của đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng: Trình diễn dân ca dân vũ, trò chơi dân gian; giới thiệu các sản vật địa phương; giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống…

Đặc biệt, từ ngày 22-26/11/2023, tại Làng sẽ diễn ra sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023; Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023. Trong khuôn khổ của sự kiện này, sẽ diễn ra các hoạt động đặc sắc như: Giới thiệu di sản văn hóa các tỉnh; Ngày hội giao lưu các dân tộc; Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”; Tổ chức Đại lễ dâng y Kathina năm 2023 tại quần thể chùa Khmer…

Nghi lễ dâng y Kathina

Lễ dâng y Kathina là một nghi thức duy trì hàng năm duy nhất của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ dâng y Kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia đồng thời Lễ dâng y Kathina cũng còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả hàng phật tử xuất gia và tại gia, luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn tín.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của các cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an tại không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

V.H

Ảnh: LVH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *