Lễ hội

Quận Đống Đa khôi phục các nghi thức truyền thống lễ hội Chùa Láng sau 70 năm gián đoạn

Ngày 26/4/2023 (tức 7/3 năm Quý Mão), quận Đống Đa đã tổ chức khai hội Chùa Láng – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi thức độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong vùng cũng như du khách.

Các đại biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội – Ảnh: Trang Phái

Chùa Láng là một trong những di tích mang nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Chùa Láng tên chữ là “ Chiêu Thiền Tự” được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông ( thế kỷ XII), là nơi thờ Phật và thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, hiện thân của Ngài là vua Lý Trần Tông.

Trao Chứng nhận cây Di sản cho 9 cây muỗm và 3 cây nhãn trong khuôn viên Chùa Láng – Ảnh: CGTĐTTP

Chùa Láng là 1 trong 12 di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước vào năm 1962.

Lễ hội Chùa Láng diễn ra vào các ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm và là một trong các lễ hội đặc trưng của khu vực đồng bằng Châu thổ Sông Hồng.

Hình ảnh tại Lễ hội.

Trải qua nhiều năm gián đoạn, năm 2023, sau 70 năm, lễ hội Chùa Láng được khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền với những nét độc đáo riêng của một lễ hội nổi tiếng của vùng kẻ Láng xưa…

Hình ảnh tại Lễ hội.

Theo đó, ngày 25/4 (mùng 6/3 âm lịch), lễ hội Chùa Láng được mở đầu với các nghi lễ như: Dâng lễ tại chùa Tam Huyền, nơi thờ Đức Thánh Phụ – cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh; dâng lễ tại đình Ứng Thiên; dâng lễ tại Chùa Láng; lễ khao thỉnh, bao sái, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thánh và kiệu Tứ trấn ra ngự tại nhà Bát Giác.

Hình ảnh tại Lễ hội.

Trong ngày khai hội Chùa Láng mùng 7/3 âm lịch, đã diễn ra nghi thức rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, đi từ Chùa Láng ra Cầu Cót. Với nghi thức này, kiệu rước không đi trên cầu mà đi trên sông Tô Lịch gọi là nghi thức “ Độ hà” mang ý nghĩa “con không đi trên đầu cha”. Tiếp đó kiệu dừng lại trên “ Hòn ngọc” để Hàng đô chuyển tiếp sang bờ bên sông đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”.

Hình ảnh tại Lễ hội.

Trong mùng 8/3 âm lịch – ngày cuối cùng của lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến các nghi thức tế lễ, dâng hương và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống; dẫn lục cúng… Và cũng trong ngày này, người dân và du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ cùng các trò chơi dân gian… được tổ chức ngay tại khu vực Chùa Láng.

Hình ảnh tại Lễ hội.

Đáng chú ý, trong lễ khai hội Chùa Láng mùng 7/3 âm lịch, 12 cây ( bao gồm 9 cây muỗm và 3 cây nhãn) trong khuôn viên Chùa Láng đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam gắn biến công nhận Cây Di sản Việt Nam.

PV(t/h)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *