Văn hóa cơ sở

Quận Hoàng Mai triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2024

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, UBND quận Hoàng Mai ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 25/3/2024 về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2024.

 Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác trẻ em, đồng thời chuyển đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực; nhất là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác trẻ em trên địa bàn Quận và hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em và gây tổn hại cho trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để trẻ em được đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền trẻ em theo Luật Trẻ em; UBND Quận tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành và các đơn vị có liên quan để triển khai nhiều nội dung thiết thực như:

Một là, Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, cam kết trách nhiệm và thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng, gia đình trẻ và trẻ em đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em:

Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Trung ương và Thành phố; đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện Luật Trẻ em, Nghị quyết số 121/2021/QH14 ngày 19/6/2021 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Nghị định số 56/NĐ/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều Luật trẻ em, Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/6/2013 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong điều kiện mới và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Thành phố có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2021-2030;

Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em lao động trái quy định pháp luật, bóc lột trẻ em; chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em;

Đa dạng sản phẩm và các hình thức truyền thông, giáo dục vận động xã hội để phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương: tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình và truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng dân cư; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực quan: banner, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp…

Truyền thông, quảng bá các dịch vụ của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (điện thoại 0243.2233.111); Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để mọi người dân và trẻ em biết liên hệ khi có nhu cầu tiếp nhận sự tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em hoặc thông báo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.

Hai là, thường xuyên rà soát, nắm chắc và quản lý các số liệu về trẻ em nói chung, đánh giá được tình hình và nhu cầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (14 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em) và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn Quận để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho trẻ em như:

Tiếp tục duy trì, cập nhật thông tin về trẻ em vào Sổ theo dõi trẻ em trong hộ gia đình và cập nhật lên “hệ thống quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở”;

Triển khai việc thu thập và tổng hợp số liệu các chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2021/LĐTB&XH ngày 01/6/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ảnh minh họa

Ba là, chỉ đạo rà soát, kiện toàn đủ về số lượng và tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp nhất là cấp cơ sở; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

Bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp: cấp Quận có 02 đồng chí (gồm 01 đồng chí lãnh đạo phòng và 01 đồng chí chuyên viên phụ trách tham mưu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em); cấp phường có 01 đồng chí/phường;

Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em cấp Quận và phường; tăng cường hiệu quả các hoạt động phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em;

Chỉ đạo rà soát, kiện toàn đủ số lượng và tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ Cộng tác viên tại cơ sở theo Quyết định 649/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của UBND Thành phố nhằm phát huy tối đa vai trò, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Cộng tác viên nhất là trong việc phát hiện và phối hợp can thiệp hỗ trợ kịp thời trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột và có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em bị vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn.

Bốn là, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định, Chỉ thị, Chương trình, Đề án của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của UBND thành phố để thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em .

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn:

Ban chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Quận tập trung vào các hoạt động: (i) Rà soát, củng cố và phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em đáp ứng yêu cầu như: trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội, điểm tư vấn, tham vấn trẻ em tại cộng đồng, trường học, các cơ sở trợ giúp trẻ em trên địa bàn…;(ii) Đảm bảo hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong việc tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đạt hiệu quả tốt nhất; cải thiện chất lượng dịch vụ và kỹ năng cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em; (iii) Từng bước xây dựng, hình thành mạng lưới cá nhân/gia đình có nguyện vọng nhận chăm sóc thay thế trẻ em trên địa bàn làm cơ sở cho việc thực hiện chăm sóc thay thế cho trẻ em ngay tại cộng đồng theo quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và Thông tư số 14/2020/TT-BLĐTB&XH ngày 28/11/2020 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhất là cơ sở hình thành tự phát (trong đó có cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo) đảm bảo các quyền trẻ em, ngăn ngừa các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở.

Sáu là, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động cao điểm trong năm như: Tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động cao điểm trong năm như Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, Tết Trung thu năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” (theo Kế hoạch cụ thể của Thành phố).

Bảy là, bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố; đồng thời, vận động nguồn lực và quản lý sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật các nguồn lực ủng hộ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.

Tám là, quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác trẻ em trong năm 2024.

Để thực hiện tốt các nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2024, UBND quận Hoàng Mai giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, đặc biệt Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (do phòng Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực) cần bám sát nhiệm vụ và phát huy vai trò, chủ trì phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể liên quan và UBND các phường xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Quận năm 2024 trên cơ sở lồng ghép các chỉ tiêu vào Chương trình Kinh tế – Xã hội Quận, đảm bảo đạt kết quả và mục tiêu, yêu cầu đề ra./.

HM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *