Địa danh

Tàm Xá – Làng nghề quất cảnh vào Xuân

Quất cảnh Tàm Xá được thị trường ưa dùng là do quất được trồng trên đất phù sa màu mỡ, vì vậy cho quả to, bóng mượt, căng mọng, tán lớn.

Đến làng nghề quất cảnh Tàm Xá, Đông Anh ta như bị cuốn vào ngày hội bởi không khí bán – mua quất trưng Tết luôn nhộp nhịp, thương lái, người tiêu dùng thi nhau đổ về, dòng người – xe đông đúc, nhộn nhịp.

Tàm Xá xưa vốn là một ngôi làng cổ, là vùng đất nổi giữa sông Hồng, có nghề trồng dâu nuôi tằm. Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, Tàm Xá là An toàn khu, là nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ; đây cũng là nơi đưa đón các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lui về hậu phương an toàn vào năm 1947.

Ngày nay, Tàm Xá là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng quất.

Xã Tàm Xá hiện có gần 1.200 hộ dân, 50% số hộ trong xã có nghề trồng quất cảnh, diện tích trồng quất của Tàm Xá chiếm hơn 1/3 tổng số diện tích canh tác của địa phương.

Nghề trồng quất cảnh chính thức gắn bó với người dân Tàm Xá từ năm 1990, giờ trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân. Đặc biệt, quất Tàm Xá đã được thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề cây cảnh từ năm 2020 và trở thành nguồn cung cấp lớn quất cảnh cho người dân Thủ đô. Mỗi dịp Tết, 6-7 trăm ngàn cây quất cảnh của Tàm Xá đã được cung cấp cho thị trường. Ngoài trồng quất cảnh cung cấp dịp Tết, dân Tàm Xá còn làm quất giống, cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước quanh năm.

Đến Tàm Xá, bên bờ đê ven dòng sông Đuống là bạt ngàn những vườn, bãi trồng quất của các hộ dân. Con đường dẫn vào các vườn quất cảnh tấp nập người, xe ra, vào.

Quất cảnh Tàm Xá có nhiều loại, như: Quất bonsai, quất thế, quất mi ni, quất lùn, quất thần tài, quất tứ quý, quất thăng tiến, nhiều nhất là các loại quất tự nhiên, không tạo dáng…Quất cảnh Tàm Xá được thị trường ưa dùng là do quất được trồng trên đất phù sa màu mỡ, vì vậy cho quả to, bóng mượt, căng mọng, tán lớn.

Theo những người trồng quất nơi đây thì một cây quất cảnh trưng Tết được coi là đẹp phải hội tụ các yếu tố: Dáng đẹp, quả  vàng, quả xanh đẹp đẽ, lá xanh tự nhiên, lá lộc non xanh và có chút nụ, chút hoa điểm xuyết. Trong quan niệm dân gian quất thể hiện sự sung túc, sum vầy, ấm no, thịnh vượng, vì vậy quất cảnh ngày Tết rất được ưa chuộng, trong đó nổi bật là quất cảnh của Tàm xá – Đông Anh.

Quất Tàm Xá

Năm 2023, thời tiết thuận lợi nên quất cảnh Tàm Xá được dịp khoe sắc, báo hiệu một mùa bội thu cho những người nông dân nơi đây. Bên cạnh thiên thời, là sự cần cù, tỉ mỉ, yêu cây như con của những người nông dân. Từ khi còn là quất giống, những người nông dân Tàm Xá đã đầu tư tâm sức vào cây, từ khâu chọn giống, lựa cây đến việc tưới cây, bón phân, tỉa cành đúng thời điểm, loại bỏ thấp nhất sâu bệnh cho cây; nhất là việc lựa chọn phương pháp chăm sóc cây quất cảnh theo truyền thống, nói không với phân bón hóa học, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vừa có lợi cho đất trồng, vừa giúp cây sinh trưởng tự nhiên và tươi tốt.

Nông thôn Tàm Xá

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của xã Tàm Xá là trên 200 ha, gần 90 ha được Nhân dân dành cho trồng quất cảnh. Quất Tàm Xá có “thương hiệu” như hôm nay chính là nhờ sự cần cù và tình yêu cây của người nông dân. Nhờ cây quất, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Quất đã trở thành cây mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho  người nông dân. Năm 2010, thu nhập của người dân Tàm Xá chỉ vào khoảng 12,9 triệu đồng/người/ năm; đến năm 2023 này đạt 73,12 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Tàm Xá đạt 174 tỷ đồng, giá trị sản xuất của nghề trồng quất ước đạt 2,5 tỷ đồng/ha.

Nhờ quất mà nông thôn Tàm Xá ngày một đổi thay, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch, đẹp, nhà cao tầng mọc lên san sát. Các ngôi nhà đều được đánh số, các ngõ, đường đều được đặt tên. Tàm Xá là xã ngoại thành đầu tiên của Hà Nội được đánh số nhà, số ngõ. 2 thôn Đoài, Đông của Tàm Xá đều được công nhận là Làng văn hóa; 98,5% số gia đình đã được công nhận là Gia đình Văn hóa; tuyến đường Tàm Xá đang được đề nghị là tuyến đường văn minh đô thị.

Theo các đồng chí lãnh đạo xã Tàm Xá, trong thời gian tới, Tàm Xá sẽ xây dựng địa phương thành Điểm du lịch làng nghề cấp Thành phố.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *