Gia đình

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới

Nhằm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, quyết tâm thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nướcThành ủy Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 30/12/2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai các chính sách liên quan đến công tác gia đình.

Xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, việc cụ thể hóa Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư được triển khai phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, gắn với việc thực hiện Chương trình 06 khóa XVII của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và các chương trình, đề án của Thành phố về công tác gia đình.

Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp gồm:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới

Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp cần xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, chủ yếu trong xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Gia đình văn hóa tiêu biểu”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Gia đình an toàn Covid-19”. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục “bệnh thành tích”, “hình thức” trong công tác xây dựng gia đình, nâng cao chất lượng công tác bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.  Quan tâm thiết thực và toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người thầy đầu tiên của con người để nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách, lối sống có đạo lý, có tình người của các thành viên trong gia đình. Đổi mới nội dung, phương thức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.

Tiếp đến, cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về gia đình. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình, có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình chính sách, gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo xa trung tâm, còn khó khăn. Xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; phòng ngừa, ngăn chặn các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ nhất là đối tượng thanh, thiếu niên trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, cần  nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong thời kỳ mới. Xây dựng và ban hành một số văn bản chỉ đạo về công tác gia đình trên địa bàn Thành phố: Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”; “Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030”; “Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới”. Xây dựng dữ liệu số về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề gia đình. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình.Triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch về công tác gia đình gắn với việc kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, đánh giá hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình. Rà soát, kiện toàn bộ máy làm công tác gia đình từ thành phố đến cơ sở đảm bảo ổn định thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về gia đình. Đẩy mạnh và đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò gia đình và công tác gia đình đối với các cấp, các ngành, cộng đồng, các thành viên trong gia đình trong tình hình mới; tổ chức các đợt tuyên truyền triển khai việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức, loại hình đa dạng, phong phú, giúp các gia đình có kiến thức và kĩ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, giúp các thành viên gia đình ngày càng sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Tuyên truyền góp phần xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử trong công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW. Tuyên truyền những kết quả nổi bật điển hình của các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, cá nhân thực hiện tốt chủ trương chính sách về công tác gia đình và phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn Thành phố.

Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng; việc thực thi chính sách, pháp luật về gia đình, công tác gia đình và các lĩnh vực có liên quan đối với cơ quan quản lý nhà nước.

 

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *