Thế thao thành tích cao

Tăng số lượng môn thi đấu ở Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9

Theo kế hoạch, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2022 với khoảng 40 môn thể thao, gồm có các nhóm môn và môn thể thao Olympic, ASIAD, SEA Games và các môn thể thao dân tộc.

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành thể thao Việt Nam. Đây không chỉ là cuộc đua tranh, kiểm tra thành tích, chuẩn bị cho các sân chơi quan trọng; bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc mà còn tạo hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát triển cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần của nhân dân.

Năm 2018, Hà Nội tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần 8.

Theo kế hoạch, Quảng Ninh sẽ là nơi đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 diễn ra vào tháng 11/2022 với khoảng 40 môn thể thao, gồm có các nhóm môn và môn thể thao Olympic, ASIAD, SEA Games và các môn thể thao dân tộc. Nhóm Olympic (22 môn): điền kinh, bơi, thể dục, đua thuyền, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, teakwondo, vật, boxing, kiếm, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, xe đạp, bóng bàn, golf, karate.
Nhóm ASIAD (7 môn): wushu, pencak silat, cờ vua, cầu mây, billiard &snooker, khiêu vũ thể thao, bowling. Nhóm SEA Games (3 môn): thể hình, muay, bi sắt.
Nhóm các môn thể thao dân tộc có phong trào phát triển mạnh ở nhiều địa phương và đã được quảng bá ra quốc tế (7 môn): Vovinam, võ cổ truyền, vật dân tộc, dá cầu, lặn, cờ tướng, lân sư rồng. Nhóm thể thao giải trí (1 môn): dù lượn.
Cùng với đó, Đại hội cũng dự kiến có sự tham dự của 65 đoàn (gồm 63 tỉnh, thành và 2 ngành: Công an và Quân đội); số lượng cán bộ, HLV, VĐV khoảng 8.000 người; trọng tài khoảng 1.600 người.
Tại cuộc họp về Đại hội thể thao toàn quốc 2022, ngày 5/10 vừa qua, ông Trần Đức Phấn – phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT – cho biết cần rà soát một cách cụ thể nội dung ở một số môn, mạnh dạn cắt bỏ hoặc bổ sung các môn/nội dung cần thiết, để sao phù hợp với lộ trình phát triển và hội nhập của thể thao nước nhà.
Đối với những môn thể thao dân tộc như: Kéo có, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Thể thao điện tử… cũng cần xem xét, cân nhắc có đưa vào thành môn thi chính thức hay không hoặc áp dụng phương thức tổ chức xã hội hóa để đạt được mục tiêu kép – vừa cổ vũ phong trào, quảng bá môn thể thao đó, vừa giảm tải ngân sách tổ chức cho trung ương và địa phương.
Năm 2018, Đại hội thể thao toàn quốc lần 8 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 36 môn và 747 nội dung tranh tài và kéo dài trong 26 ngày (từ ngày 15/11 đến 10/12). Kết thúc Đại hội, đoàn chủ nhà Hà Nội xuất sắc dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 176 Huy chương Vàng, 149 Huy chương Bạc và 139 Huy chương Đồng. Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 2 với 118 Huy chương Vàng, 101 Huy chương Bạc và 103 Huy chương Đồng. Đoàn Quân đội về vị trí thứ 3 với 59 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 86 Huy chương Đồng.

Hà Nội bảo vệ vị trí thứ nhất toàn đoàn Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018.

Đáng chú ý, ở rất nhiều môn, Hà Nội không chỉ dẫn đầu toàn đoàn mà còn vượt xa chỉ tiêu đề ra, tiêu biểu như các môn: Wushu (21 Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng); vật (14 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 6 Huy chương đồng); cử tạ (14 Huy chương vàng, 7 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng); điền kinh (9 Huy chương vàng, 10 Huy chương bạc, 7 Huy chương đồng); đua thuyền rowing (9 Huy chương vàng, 2 Huy chương đồng); nhảy cầu (7 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng)…
Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 8, với việc đảm nhận trọng trách đăng cai Đại hội, Hà Nội đã có sự đầu tư bài bản, toàn diện về cả cơ sở vật chất thi đấu lẫn lực lượng chuyên môn. Đây là Đại hội Thể thao toàn quốc được đánh giá là khá thành công, khi phần lớn các cuộc thi đấu diễn ra suôn sẻ. Công tác tổ chức đại hội cũng được đánh giá là chu đáo và tiết kiệm. Việc tận dụng hệ thống cơ sở vật chất chất sẵn có của thủ đô Hà Nội giúp cho ngành thể thao và ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong việc xây mới các công trình thi đấu. Ngoài ra, đây cũng là kỳ đại hội mà “điều tiếng” về sự gian lận trong thi đấu, tình trạng “mua bán” huy chương và chạy theo thành tích ảo của các đoàn thể thao địa phương được giảm thiểu tối đa. Không chỉ tổ chức thành công đại hội, Hà Nội còn bảo vệ được vị trí thứ nhất toàn đoàn.

P.V

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *