Lễ hội

Tháng Ba nhớ về Lễ hội Chùa Láng

Vào tháng Ba âm lịch, một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội phải kể đến  Lễ hội Chùa Láng ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng (hay còn gọi là Chiêu Thiền tự) là một ngôi chùa cổ, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị danh […]

Vào tháng Ba âm lịch, một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội phải kể đến  Lễ hội Chùa Láng ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng (hay còn gọi là Chiêu Thiền tự) là một ngôi chùa cổ, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị danh sư nổi tiếng thời Lý.

Từ lâu, dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Nhớ ngày mùng bảy tháng ba. Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Lễ hội Chùa Láng bao phủ cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch, Hà Nội xưa gồm ba thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, kéo dài từ Cầu Giấy đến cầu Mọc hiện nay. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của dân quanh vùng như Dịch Vọng, Yên Hòa, Mọc… Cái độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn “đấu thần” giữa Từ Đạo Hạnh và pháp sư Đại Điên. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống quê hương làng Láng, đồng thời tưởng nhớ các vị anh hùng, tiền bối đã có nhiều công lao với làng Láng, với dân tộc là Đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông – hóa thân của Đức Thiền sư.

Vì là một hội lớn, do vậy không phải năm nào Lễ hội Chùa Láng cũng tổ chức, mà phải mười đến mười lăm năm mới mở đại hội một lần. Đó là thời gian mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh và hội kéo dài đến cả tháng. Ngày nay, Lễ hội chùa Láng được cộng đồng và chính quyền phường Láng Thượng tổ chức từ ngày 5 đến 8 tháng 3 (âm lịch). Những người nắm giữ vai trò gồm: 4 ông thủ kiệu (hai kiệu ngoại, hai kiệu nội), 24 trai tráng vào hàng đô ngoại, 16 trai tráng vào hàng đô nội, cử 6 ông cai đám, đội tế, đội cờ, đội nữ múa sênh tiền, đội bát bửu, đội rồng, đội sư tử, đội trống, phường bát âm… giống như lễ hội trước đây. Lễ vật dâng cúng đặc biệt có mâm cỗ chay mang biểu tượng của vũ trụ, cùng uy danh của Đức Thánh với gam màu vàng chủ đạo, tượng trưng cho màu vàng Thiên tử và cũng là sắc vàng đạo Phật; bánh khảo tượng trưng cho trung ương Hoàng đế, bốn cặp bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho các vị Tứ trấn Thiên Vương, gợi nhớ thủa xưa 4 vị đã cảm động trước công đức trì niệm của Thiền sư họ Từ mà xuống xin được Đức Thánh sai bảo. Ngày 5 tháng Ba, dân làng rước kiệu Thánh và bát hương đến chùa Nền, chiều rước kiệu hoàn cung. Sáng mùng 6, các cụ cao niên rước bát hương theo kiệu Long đình từ chùa Láng xuống  cáo yết ở chùa Tam Huyền – nơi thờ Đức Thánh phụ Từ Vinh để làm lễ, xong thì quay về Láng đưa bát hương nhập cung. Tiếp đó, thanh niên được lựa chọn vào các hàng đô ra nhà bát giác để hoành kiệu (lắp kiệu). Buổi chiều, dân của ba làng: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ chuẩn bị lễ vật công phu, đặt trong kiệu và được hàng đô là các thanh niên trẻ, có sức vóc trong làng rước lên chùa. Nghi thức quan trọng nhất trong ngày này là nghi thức Giải y phục vào đúng 12 giờ đêm. Nhà sư làm lễ cúng Khao thỉnh xin phép Đức Thánh vào cung làm lễ bao sái bằng nước hoa bưởi, thay áo cà sa mặc long bào. Để đảm bảo sự tôn nghiêm, linh thiêng, chỉ một vài người được phép có mặt trong cung làm lễ. Đây là nghi thức mang nhiều ý nghĩa và giá trị bởi nó tái hiện huyền tích tái sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thành vua Lý Thần Tông. Sau khi Giải y phục và Khai quang, người dân mới được phép chiêm ngưỡng Đức Thánh từ phía bên ngoài. Phải đến ngày 15 tháng Ba, người ta mới làm lễ tạ, giải triều phục, mặc áo cà sa nhà Phật cho Đức Thánh. Sáng mùng 7, lễ rước kiệu Thánh từ chùa ra đường lớn được tổ chức rất long trọng. Sau hồi trống lệnh, mọi người chuẩn bị; một hồi trống tiếp theo, các đô tùy ngoại đầu đội mũ quả dưa, mình đóng khố bao, khăn nhiễu điều quàng chéo vai, theo hai hàng đôi vào rước tượng Thánh ra sập đá trước Tam quan để chồng đòn kiệu. Một hồi trống được gióng lên, các đô tuỳ ngoại rước kiệu ra cửa Tam quan để chờ các làng kết chạ như Láng Hạ, Thành Công, Yên Hòa cùng rước long đình đến nhập cuộc rước. Đoàn rước có các loại cờ, trống, chiêng, voi bành, ngựa gỗ, lọng che, siêu đao, họa kích, tàn vàng, chấp kích, đội sênh tiền, ông Lệnh cầm cờ vía, phường bát âm… Dọc quãng đường đoàn rước đi qua, khoảng vài chục mét lại có một hương án, đèn nhang được đặt bên đường với một bô lão túc trực bái lễ đám rước đi qua, tượng trưng cho thần dân bái vọng Thiên tử. Đoàn rước đi một vòng rồi trở về chùa và an vị kiệu tại nhà bát giác. Cụ chủ tế đánh trống báo hiệu ngày chính hội bắt đầu, người dân trong vùng vào chùa dâng hương, theo thứ tự là Láng Thượng, Láng Hạ, Thành Công, Yên Hòa. Sau đó là phần tế lễ của các cụ ông, bài văn tế được đem đi hóa sau khi thực hiện xong nghi lễ. Buổi chiều, đội tế nữ chùa Láng làm lễ dâng hương tế Thánh. Tối mùng 7 tháng Ba, các pháp sư thực hiện nghi thức Dẫn lục cúng tại chùa, nguyện cầu cho quốc thái dân an, người được bình yên, hạnh phúc với sáu lễ vật bao gồm: Nhang, đăng, hoa, trà, quả, thực. Sáng mùng 8, các đoàn tế lễ, dâng hương của các khu vực lân cận tiếp tục vào làm lễ tế Thánh. Buổi chiều là lúc diễn ra các trò chơi dân gian như: Thổi cơm thi, đập niêu, chọi gà, hội thơ, hội thư pháp, thi đấu cờ tướng, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa… trong đó đặc sắc nhất phải kể đến thổi cơm thi. Nồi cơm ngon nhất sẽ được dâng lên Đức Thánh. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội do các cụ ông tiến hành vào lúc chiều tối.

Với những giá trị tiêu biểu, Lễ hội Chùa Láng luôn là điểm đến, thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách gần xa mỗi độ Xuân về.

                                                                                           Hà Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *