Sự kiện

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU: 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022

Năm 2022, Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội và sự lạc quan, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân…

Sáng 08/02/2023, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện các sở, ngành của Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy năm 2022 phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, trong năm 2022, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình bằng Đề án, kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã nghiêm túc, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình và triển khai thực hiện gắn với kế hoạch công tác năm, lồng ghép với các phong trào thi đua của đơn vị. Công tác lãnh đạo, điều hành có nhiều đổi mới, linh hoạt để kịp thời thích ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Bám sát chỉ đạo của Thành phố, các quận, huyện, thị ủy đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tại cơ sởViệc triển khai Chương trình số 06- CTr/TU đã được tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đang trên đà khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại Hội nghị

Hà Nội với vai trò là nơi đăng cai phần lớn các môn thi đấu và đăng cai lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) đã tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện. Đây là sự kiện lớn nhất, quy mô nhất của cả khu vực Đông Nam Á trong suốt 3 năm đại dịch COVID-19, đánh dấu sự khởi đầu mở cửa của khu vực. Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Trong năm 2022, đã có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm gồm: (1) Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72%, vượt 0,1% so với kế hoạch năm;(2) Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá hàng năm (tính trên tổng số đăng ký): 71,8%, vượt 0,6% so với kế hoạch năm; (3) Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 97,5%, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2021; (4) Tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 42,5% vượt 0,5% so với kế hoạch;(5) Tỷ lệ  hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 30,5%, vượt 0,5% so với kế hoạch; (6) Đóng góp lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA GAMES, ASIAD…): đạt 30,24%, vượt 0,24% so với kế hoạch; (7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 0,3 so với kế hoạch năm và 2,3% so với cùng kỳ năm 2021;(8) Số lao động được đào tạo nghề hàng năm đạt 251,500 lượt người, đạt 112% kế hoạch, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2021;(9) Số lượt khách du lịch đón và phục vụ hàng năm: 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ hàng năm đạt 1,5 triệu lượt khách, vượt 0,3% kế hoạch năm;

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình số 06-CTr/TU khẳng định, Chương  trình 06 được triển khai bài bản, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều sáng tạo, đổi mới. Chương trình đã thu được những kết quả toàn diện,  đóng góp rất lớn vào sự phát triển  kinh tế – xã hội của Thủ đô. Trong đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao… được khôi phục đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như khu vực. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, hướng đi mới trong phát triển văn hóa, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp bày tỏ sự nhất trí cơ bản với Dự thảo báo cáo được trình bày trước Hội nghị, bổ sung những thông tin làm rõ hơn, phong phú hơn các nội dung trong dự thảo cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo….

Các đại biểu phát biểu ý kiến 

Phát biểu kết luận hội nghị,  đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, sở, ngành liên quan của thành phố trong năm qua để đạt được những kết quả nổi bật trong Chương trình 06.  Cách triển khai Chương trình quyết liệt, bài bản, có tính lan tỏa. Năm 2022, Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội và sự lạc quan, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị liên quan chú trọng phối hợp triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong năm 2023 sẽ sơ kết giữa nhiệm kỳ 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy do đó các thành viên trong Ban Chỉ đạo chú trọng đến các giải pháp, kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện Chương trình 06 đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, chú trọng việc tham mưu Thành ủy xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, làm thật tốt quy hoạch nâng cao chất lượng giáo dục.  Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 06 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong nhận thức của người dân đối với vấn đề văn hóa. Các sở ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình 06 của các địa phương. Khuyến khích các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa – du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ. Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình 06 và ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch. Đối với Sở GD&ĐT cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Thủ đô; chú trọng công tác quản trị trường học, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố chú trọng đến tính kế hoạch trong các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… có tính thường niên lâu dài. Trong đó, các sở ngành tăng cường giao cho các đơn vị sự nghiệp của thành phố có năng lực tổ chức; đẩy mạnh việc xã hội hóa trong tổ chức các sự kiện này. Đối với các tuyến phố đi bộ, cần chú trọng đến tính đặc trưng của từng địa phương, trong đó có sự điều tiết của thành phố để tháo gỡ khó khăn hiện nay để phát triển cho hiệu quả.

Đức Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *