Di sản

Tọa đàm “Thời trang và Di sản”

Trong khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, sáng 21/11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm diễn ra tọa đàm “Thời trang và Di sản”.

Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm

Sự kiện do Diễn đàn Thời trang Việt Nam tổ chức với sự dẫn dắt của bởi thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng – Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trưởng bộ môn Thiết kế thời trang của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Diễn giả tham gia tọa đàm là thạc sĩ, nhà thiết kế Lê Hà – giảng viên khoa Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế trẻ, giảng viên và sinh viên ngành Thiết kế thời trang tại các trường đại học tham gia đóng góp ý kiến cho tọa đàm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng: Thời trang Việt Nam rất quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống. Chủ đề này cũng được lựa chọn để đưa vào quá trình đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang của các trường và đó là nguồn cảm hứng để nhiều bạn sinh viên khai thác, cho ra đời những bộ sưu tập mang dấu ấn lịch sử và văn hóa truyền thống.

Nhà thiết kế Lê Hà chia sẻ: Những năm gần đây, việc ứng dụng di sản vào thiết kế thời trang rất được quan tâm. Cơ chế chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho phát triển văn hóa và lấy văn hóa làm trung tâm, làm nguồn tài nguyên để đưa vào nghệ thuật. Ngược lại, việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật cũng góp phần bảo tồn và giúp văn hóa tiếp cận với thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cũng theo Nhà thiết kế Lê Hà: Hiện nay, thị trường thời trang Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu đến từ nước ngoài. Thời trang của họ cũng sử dụng một số yếu tố mang tính văn hóa bản địa. Trong điều kiện đó thì việc tận dụng bản sắc văn hóa độc đáo riêng là một lợi thế của thời trang Việt Nam. Ứng dụng tài nguyên văn hóa để làm mới các sản phẩm thời trang của mình, đồng thời cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Quang cảnh toạ đàm

Cũng tại buổi tọa đàm, các vấn đề như: chiếm dụng văn hóa trong thời trang, khai thác di sản trong nghệ thuật… cũng đã được đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến chia sẻ. Đặc biệt, tại tọa đàm, các đại biểu được theo dõi hình ảnh một số bộ sưu tập đến từ các nhà thiết kế trẻ, các sinh viên của các trường đại học như: Đại học Hòa Bình, Đại học Công nghiệp Dệt may… và lắng nghe ý tưởng, quá trình sáng tạo của các nhà thiết kế. Đó là chia sẻ của nhà thiết kế trẻ Hạ Vy đến từ Đại học Hòa Bình về ý tưởng và quá trình thực hiện bộ sưu tập được cô lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Với bộ sự tập này, nhà thiết kế trẻ Hạ Vy đã đưa nét đẹp thầm lặng của người lao động trở thành định hướng phong cách, đồng thời thể hiện cảnh sắc vùng cao qua những chi tiết trang trí, đính kết trên trang phục. Nhà thiết kế trẻ Đào Hồng Nhung lại lấy hứng từ di sản hội họa của Van Gogh để hoàn thành bộ sưu tập tốt nghiệp của mình. Và trong quá trình sáng tạo, cô rất trăn trở về việc đưa văn hóa Việt Nam vào bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ họa sĩ nước ngoài này.

Với nhiều vấn đề được thảo luận, buổi tọa đàm đã đem đến những chia sẻ về giá trị kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng vẻ đẹp và của di sản vào các sáng tạo thời trang, khơi dậy nguồn cảm hứng về văn hóa cho những nhà thiết kế thuộc thế hệ mới. Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Lê Hà, khi đưa di sản vào sản phẩm, các nhà thiết kế phải tránh việc chiếm đoạt, làm sai lệch, ngoại lai những giá trị truyền thống. Hướng đi đúng đắn nhất là luôn tôn vinh những nghệ nhân và nền văn hóa đã truyền cảm hứng cho mình.

Ngoài tọa đàm “Thời trang và Di sản”, tối 19/11, cũng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Diễn đàn Thời trang Việt Nam còn tổ chức show diễn thời trang “Hanoi Fashion Journey”. Những hoạt động này đã góp phần thu hút đông đảo người dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *