Văn hóa

Về thăm đất vật Yên Nội

Nằm cách trung tâm Thủ đô hơn 30 km, Yên Nội là ngôi làng nhỏ thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Miền quê hiền hòa với những cánh đồng lúa trĩu hạt nằm ven đê sông Đáy từ lâu nổi tiếng với vật truyền thống, được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất làng vật”.

Vật Yên Nội nức tiếng từ xưa nhưng khởi nguồn từ bao giờ thì không ai rõ, chỉ biết rằng vật gắn liền với ngôi đình thờ thần làng được xây dựng vào thời Lê, năm Chính Hòa thứ nhất (1680). Đình Yên Nội thờ ba vị thần làm Thành hoàng của làng: Thần Tản Viên – người anh hùng trị thuỷ, người anh hùng khai sáng văn hoá, được người xưa suy tôn là một trong “tứ bất tử”; Mỵ Nương công chúa – con gái Hùng Vương thứ 18, vợ của thần; thần Cao Lỗ – tướng tài có công sáng chế ra dàn nỏ đẩy lùi cuộc xâm lăng của giặc Triệu Đà ở thời An Dương Vương. Người làng Yên Nội cho rằng, trong hội mừng đình làng khánh thành, nhân dân đã tổ chức đấu vật. Vật được coi là một hình thức để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần đã phù trợ cho dân làng. Từ đó đến nay, Yên Nội được biết đến là miền đất của vật dân tộc. Hàng năm, vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, Yên Nội mở hội đình làng và hội vật. Năm hội lớn mở 7 ngày, có năm mở 3 ngày, quy tụ hàng trăm đô vật khắp cả nước về tranh tài.

Ở nơi đây, từ những em nhỏ cho đến người lớn tuổi, ai nấy cũng đều biết, thông thạo các ngón, miếng đánh, luật lệ và ngôn từ sử dụng trong đấu vật. Không chỉ riêng cánh mày râu mà những người phụ nữ làng Yên Nội cũng rất yêu thích Vật. Cứ mỗi khi hội làng, các cô, các chị lại rủ nhau đi xem sới vật, có khi còn bồng bế cả con nhỏ đến xem và cổ vũ. Nhiều gia đình đã có tới năm đời liên tiếp là những đô vật giỏi của làng.

Các đô vật tranh tài

Vật truyền thống làng Yên Nội có người cầm chầu, vai trò như trọng tài, thường là các bậc cao niên tinh tường về vật, dùng tiếng trống điều khiển trận đấu. Có khi tiếng trống dồn dập ở những tình huống tranh đua quyết liệt, có lúc chậm rãi để điều chỉnh nhịp đấu và để tuyên bố kết quả thi đấu. Các đô vật đóng khố, cởi trần. Trước lúc đấu, các đô vật phải làm lễ ra mắt, gọi là xe đài để trình diễn các động tác, tư thế đẹp. Đồng thời thể hiện bản lĩnh và tinh thần thượng võ. Các đô vật làng Yên Nội xe đài mang phong cách rất riêng, nét mặt tươi vui, hai tay dang rộng như hai cánh chim bay. Vật dân tộc không tính thắng thua bằng điểm số như các môn vật khác, đô vật bị thua là người bị nhấc bổng hai chân lên trời hoặc bị vật cho “lấm lưng trắng bụng”. Trong khi đấu, các đô vật không được sử dụng các đòn hiểm như bẻ, vặn, khóa khớp, tấn công bằng đầu, nắm tóc hoặc tấn công vào các huyệt, yết hầu, mắt… Tại hội vật, bất kỳ người nào cũng có thể tham gia tại chỗ. Giải vật có cơ cấu giải phụ và giải chính. Những giải phụ gọi là “lèo thường”. Cứ hai đô vật thi tài, người nào thắng được nhận giải. Những giải chính gọi là “đầu lèo” có người giữ giải, có thể là giải nhất, giải nhì, giải ba… phải giữ được cho hết thời gian hội, không có đô vật nào thắng được người giữ giải thì người giữ giải mới được lĩnh thưởng.

Như một lẽ tự nhiên, người làng Yên Nội đam mê vật, giỏi vật và nổi danh về vật. Những đô vật của làng đã chinh phục nhiều giải vật truyền thống xứ Đoài cũng như đạt thành tích cao ở các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Thế hệ trước có đô Bảy Phạn với biệt danh “trâu trắng” đấu đâu thắng đó, đô Nguyễn Đình Bảng với ngón nghề “bò” là không một ai nhấc lên được. Các đô vật Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công đã từng tham dự Olympic 1980 tại Mát-xcơ-va. Từ sới vật làng Yên Nội, nhiều vận động liên tục góp mặt trong các đội tuyển vật Hà Tây (cũ), Quân đội và Đội tuyển Quốc gia nam, nữ như Vũ Văn Ba, Quang Long, Quang Thành, Nguyễn Thế Hải, Phí Hữu Sơn… Nổi danh nhất chính là nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa, niềm tự hào của mảnh đất Yên Nội với những thành tích đáng nể như: HCĐ, HCB Giải trẻ châu Á; HCĐ Giải vô địch châu Á; HCB ASIAD 16 và 2 lần tham dự Olympic 2012, 2016.

Kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, ngày nay, người dân Yên Nội vẫn giữ lửa niềm đam mê với Vật, phát huy tinh thần thượng võ, không ngừng đóng góp những vận động viên tài năng cho vật dân tộc nói riêng và thể thao Thủ đô nói chung, làm rạng danh mảnh đất Yên Nội.

Bảo Minh

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *