Tin tức - Sự kiện

Những bài thơ rực lửa của chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô Trịnh Đình Báu

Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, phần Thủ đô kháng chiến 60 ngày đêm (19/12/1946 – 19/2/1947) có những  bài thơ khi đọc lên chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Tác giả bài thơ là đồng chí Trịnh Đình Báu, biệt hiệu: Lĩnh Nam, Bí […]

Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, phần Thủ đô kháng chiến 60 ngày đêm (19/12/1946 – 19/2/1947) có những  bài thơ khi đọc lên chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động.

Tác giả bài thơ là đồng chí Trịnh Đình Báu, biệt hiệu: Lĩnh Nam, Bí danh: Linh Sơn, sinh năm 1902, nhà ở số 40 phố Mã Mây, Hà Nội, nguyên là cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Từ tháng 9 năm 1946 anh là Chủ tịch Ban Chấp hành tự vệ Liên khu I, Uỷ viên Ban Chấp hành tự vệ thành Hà Nội. Khi Trung đoàn Thủ đô ra đời, anh là cán bộ phụ trách quân nhu thuộc cơ quan Trung đoàn bộ. Thời kỳ Trung đoàn Thủ đô rút lên Chiến khu Việt Bắc, anh được chuyển về công tác tại vùng ngoại thành Hà Nội.

Bài thơ ra đời giữa “Thủ đô khói lửa đêm 15 tháng 1 năm Đinh Hợi (tức 5/2/1947)”, được viết tay bằng bút mực xanh, đỏ, nét chữ rắn rỏi với những chữ hoa bay bổng trên nền giấy kẻ ly. Trải qua 60 năm, tờ giấy đã ố vàng cùng năm tháng nhưng tâm hồn và tình cảm của nhà thơ vẫn vẹn nguyên ngọn lửa yêu nước và lòng căm thù địch sâu sắc.

Bài thơ thứ nhất có nhan đề: Toàn dân kháng chiến.

            Đã đến lúc cả toàn dân nước Việt,

                        Đều đứng lên tiêu diệt bọn xâm lăng!

                        Máu phục thù trong huyết mạch đang căng,

            Chí phấn đấu hy sinh và kiên quyết!

Trung – Nam – Bắc toàn dân đều đoàn kết,

Cả gái, trai, già, trẻ quyết một lòng,

Đem máu đào thề rửa hận non sông,

 

Tuốt gươm báu nguyện phá tan quân địch!

            Cứu dân tộc thoát khỏi vòng xiềng xích,

            Thoát khỏi vòng nô lệ, cảnh lầm than!

            Xua thực dân ra khỏi mộng tham tàn,

            Ra khỏi nước Việt Nam đầy lịch sử !

1

Chiến sỹ Cảm tử quân ôm bom ba càng tiêu diệt xe tăng địch

Bài thơ thứ hai với nhan đề: Thủ đô huyết thệ

            Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử,

            Nguyện xả mình, mong Tổ quốc quyết sinh!

            Nên bao lần vì đất nước điêu linh,

            Nghe sôi dậy trong tim dòng máu Việt!

            Máu kinh qua Trưng, Lý, Trần oanh liệt,

Rồi Ngô Quyền, rồi Lê Lợi, Quang Trung,

Rồi Hoàng Diệu rồi đến Phan Đình Phùng,

Hoàng Hoa Thám, những tinh thần bất diệt!.

                        Máu anh dũng của giống nòi Nam Việt,

                        Vẫn lưu truyền muôn vạn kiếp về sau.

            Máu sôi lên nhìn sông núi quặn đau!

            Chí quật khởi ở ngàn xưa sống lại!

            Đoàn Thủ đô nguyện một lòng khảng khái,

Quyết tâm thề một chết với quân thù!

Giữa rừng gươm, bom đạn réo vi vu…

Dậy tiếng thét: “Xung phong, quân ta tiến”!

            Nguyện cứu nước thoát khỏi vòng nguy biến,

                        Tuốt gươm thiêng, thề trả mối thù chung!

            Với người xưa không hổ giống Anh hùng.

            Quyết chiến đấu cho Thủ đô bất diệt

2

Sáng mãi tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Bài thơ gợi nhớ Tết Đinh Hợi 1947, cái Tết đầu tiên củaTrung đoàn Thủ đô trong vòng vây địch, là lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Trung đoàn Thủ đô, là lời hứa thiêng liêng của những người con trung, hiếu với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam .

Lúc này Trịnh Đình Báu đã cùng đơn vị trải qua hơn một tháng chiến đấu giam chân địch trong thành phố Hà Nội, tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.. Nhưng niềm vui lớn lao nhất, sâu sắc nhất của anh là khi được đón nhận thư của Bác Hồ gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Những lời thư của Bác sao tha thiết làm cháy bỏng con tim của anh.

Trịnh Đình Báu không phải là nhà thơ nhưng đọc thư Bác xong, anh không tài nào ngủ được. Anh trở dậy châm nến, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng từng câu, từng chữ thư của Bác. Nước mắt trào ra không cầm được. Hình ảnh Bác Hồ như sống dậy trong tâm trí. Những lời nói của Người như thôi thúc trái tim anh. Trong hương Xuân còn đương nồng nàn trời đất. Sức xuân trong anh cũng dâng trào. Những câu thơ đầu tiên xuất hiện. Anh vội lấy giấy bút ra ghi chép rồi sửa đi sửa lại nhiều lần bài thơ mà vẫn chưa ưng ý vì thấy rằng bài thơ vẫn chưa nói lên được tình cảm sâu nặng và hy vọng chan chứa của Bác gửi gắm ở trung đoàn Thủ đô.

Bài thơ được đăng trên báo Chiến Thắng xuất bản hàng ngày tại Mặt trận Liên khu I, được anh em đón nhận nồng nhiệt, chuyền tay nhau đọc và học thuộc. Bài thơ còn được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc nên tác dụng càng sâu rộng hơn trong công tác tuyên truyền, cổ động. Bài thơ góp thêm sức động viên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quyết tâm chiến đấu, thực hiện lời hứa của mình tại Toà Thị chính Thành phố trước khi nổ ra cuộc kháng chiến “Tự vệ Thủ đô sẽ sống chết với Thủ đô” và lời thề tại rạp Tố Như “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bài thơ được ông gìn giữ qua 9 năm kháng chiến rồi khi Bảo tàng Quân đội ra đời, ông đã trân trọng tặng Bảo tàng làm hiện vật truyền thống cùng với chiếc thẻ Đoàn viên số 16 kích thước 10cm x 14cm, dán tấm ảnh chân dung ghi rõ Trịnh Đình Báu, Liên khu đoàn trưởng thanh niên Khu 1, Hà Nội.

Người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. Ông qua đời vào tháng 12 năm 1970 nhưng những vần thơ của ông còn âm vang mãi trong lòng người dân Hà Nội và nhân dân cả nước. Hai hiện vật gốc quý giá: bài thơ và chiếc thẻ đoàn viên của đồng chí Trịnh Đình Báu luôn có mặt trên hệ thống trưng bày phần Thủ đô kháng chiến với số đăng ký 4040 Gi 656.

                                                                                      Duy Hải

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *