Tin tức - Sự kiện

Ban Chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội làm việc với Hội Liên hiệp phụ nữ và Thành Đoàn Hà Nội

Để chuẩn bị cho nội dung sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 06-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, sáng 29/3/2023, tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Chương trình đã có buổi làm việc với Hội LHPN thành phố Hà Nội và Thành Đoàn Hà Nội về những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh – Tổ trưởng Tổ giúp việc Chương trình 06-CTr/TU chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội – Tổ trưởng Tổ giúp việc của Chương trình chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Phạm Thị Thanh Hương thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.

Để cụ thể hóa Kế hoạch của UBND Thành phố, Ban Thường vụ Hội LHPN Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiều cuộc vận động, tuyên truyền như: “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp giai đoạn 2022 – 2026”; Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022; Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” năm 2023. Bên cạnh đó, Hội LH PN Thành phố cũng ban hành Hướng triển khai mô hình điểm “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”; “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”; Mô hình điểm “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội LHPN Thành phố đã chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch” ; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” góp phần xây dựng nếp sống lối sống người Hà Nội thanh lịch – văn minh. Tính đến nay, việc triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với xây dựng người phụ nữ Hà Nội “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch” gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc thi tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Thủ đô. Các cơ sở Hội tiếp tục tuyên truyền nội dung 02 Quy tắc ứng xử, gắn với Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Thành phố cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ hội chủ chốt các cơ sở. Hội LHPN các quận, huyện tổ chức 308 buổi tuyên truyền xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, tập huấn “Kỹ năng xác định giá trị bản thân xây dựng văn hóa ứng xử cho cá nhân”; Phối hợp tổ chức 182 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… cho 37.680 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. Ra mắt 22 mô hình “Phụ nữ ứng xử đẹp”, 173 mô hình, CLB dân vũ thể thao…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương báo cáo tại buổi làm việc.

Với việc triển khai mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”, “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”, “Tổ Dân phố/ Thôn văn hóa kiểu mẫu”, Hội LHPN Thành phố đã hoàn thiện Bộ nhận diện thực hiện quy tắc ứng xử văn minh tại “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”, “Tổ Dân phố/ Thôn văn hóa kiểu mẫu”; Xây dựng Ban cam kết tham gia thực hiện các mô hình dành cho từng đối tượng cụ thể và lựa chọn địa bàn để triển khai thí điểm. Tính đến thời điểm hiện tại đã tại các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện 7 mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”; 12 mô hình Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu; 7 mô hình “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”.

Báo cáo về những kết quả nhiệm vụ Chương trình 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp, ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022 – 2025” với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Đó là: Tổ chức các đàn trẻ em với chủ đề “Lời nói hay – Việc làm tốt – Ứng xử văn minh”, “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”, Hội đồng Đội Thành phố đã triển khai các hoạt động thi đua với chủ đề “Bảo vệ môi trường” và nhận được sự tham gia tích cực từ đông đảo các em thiếu nhi Thủ đô. Đặc biệt, thực hiện chương trình 06 -CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tháng 3/2023, Thành đoàn – Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Trẻ em thành phố Hà Nội năm 2023 với sự tham gia của 350 đội viên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu của 30 quận, huyện của Thủ đô nhằm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trẻ em, đối thoại trực tiếp để giải đáp các thắc mắc, các vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, học tập của các em, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ.

Cũng trong tháng 3/2023, Thành đoàn – Hội đồng Đội thành phố Hà Nội, trường Lê Duẩn, Hội đồng Đội quận Ba Đình phối hợp tổ chức mô hình điểm cấp Thành phố: Hội thi “Phụ trách Sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” khối tiểu học tại Liên đội trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình; phối hợp với trường Lê Duẩn, Hội đồng Đội quận Long Biên tổ chức Mô hình điểm cấp Thành phố: Hội thi “Chỉ huy Đội giỏi” năm học 2022 – 2023 khối THCS tại Liên đội trường THCS Long Biên.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng báo cáo tại buổi làm việc.

Đối với kế hoạch “Tổ chức mô hình đào tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ năng khiếu, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm phát hiện tài năng trẻ trong thanh thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022 – 2025”, ngay khi Kế hoạch ban hành, Thành đoàn đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch; chỉ đạo tới 100% cơ sở Đoàn – Hội trực thuộc để triển khai cấp cơ sở.
Với đề án mã hóa dữ liệu “Địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, đến nay, Thành đoàn đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổng hợp danh sách về 322 di tích cách mạng trên địa bàn Thành phố Hà Nội và xây dựng tuyến tin bài tuyên truyền về một số “địa chỉ đỏ” trên địa bàn Thành phố như: Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm); Cụm di tích: Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình… Đồng thời chỉ đạo một số cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai mã hóa, khánh thành điểm quét mã QR về địa chỉ đỏ trên địa bàn các quận, thị xã: Tây Hồ, Sơn Tây, Ba Đình, Hoàn Kiếm…

Thực hiện đề án “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2022-2025”, năm 2023, Thành đoàn Hà Nội ra quân các đội hình tình nguyện, hỗ trợ như: Đội giao thông xanh; Đội hình Tuyên truyền về định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…Thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện thành công kế hoạch thanh niên Thủ đô tham gia quảng bá văn hóa, du lịch Thăng Long – Hà Nội với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô” giai đoạn 2021 -2025; Kế hoạch triển khai Công trình “Nhà phân loại rác thân thiện và Kế hoạch “Tổ chức mô hình đào tạo và sinh hoạt các câu lạc bộ năng khiếu, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm phát hiện tài năng trẻ trong thanh thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022 – 2025 với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *