Tin tức - Sự kiện

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX

Tham gia Giải thưởng, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đạt giải Nhất với Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại cho Chương trình “Đêm thiêng liêng – Lửa Thanh xuân” và Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” – trân trọng giá trị hòa bình, của nhóm tác giả (Nguyễn Thị Bích Thủy, Đào Thị Huệ, Nguyễn Thị Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thị Minh Thu)…

Tối 12/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại nhằm ghi nhận, tôn vinh những tác giả, tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại và góp phần tăng cường quảng bá thành tựu phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại trao giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả. (Ảnh: Thành Đạt)

Tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX, Ban Tổ chức đã nhận được 1.456 tác phẩm, sản phẩm, công trình gửi tham gia, tăng 30% so với kỳ giải thưởng trước. Số lượng các tác phẩm tăng thêm, tập trung chủ yếu ở các hạng mục: Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài; truyền hình; ảnh; video clip… Nhiều tác phẩm, sản phẩm, công trình được đầu tư công phu, có chất lượng. Ban Tổ chức đã chọn để trao giải cho 110 tác phẩm, sản phẩm, công trình.

Tham gia Giải thưởng, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đạt giải Nhất với Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại cho Chương trình “Đêm thiêng liêng – Lửa Thanh xuân” và Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” – trân trọng giá trị hòa bình, của nhóm tác giả (Nguyễn Thị Bích Thủy, Đào Thị Huệ, Nguyễn Thị Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thị Minh Thu).

Cảm xúc sâu lắng của khán giả khi xem hoạt cảnh trong Chương trình “Đêm thiêng liêng – Lửa thành xuân”

Chương trình “Đêm thiêng liêng – Lửa Thanh xuân”, ra mắt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1931 – 26/03/2023). Chương trình là lời tri ân đối với những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng trẻ tuổi, từng bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò. Sự hy sinh của các chiến sĩ đã góp những ngọn lửa thanh xuân rực cháy cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Đó là câu chuyện về đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (sau này là Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam) bị giam trong ngục tối vẫn kiên cường đấu tranh; đồng chí Đặng Việt Châu (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tham gia lập kế hoạch đấu tranh tuyệt thực năm 1933, đòi quyền lợi cho anh em tù chính trị; câu chuyện về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) nguyện hy sinh trọn đời cho Tổ quốc…

Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” – trân trọng giá trị hòa bình thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô

Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” – trân trọng giá trị hòa bình, được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2022), 50 năm trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973 – 2023). Trưng bày thể hiện qua 2 nội dung: “Những ngày đỏ lửa” và “Sau bức tường đá”, gợi nhớ về những khoảng lặng sau các trận bom rải thảm, các trận đánh khốc liệt, những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sĩ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972; khoảng lặng suy nghĩ của phi công Mỹ về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam; khoảng lặng sau 50 năm, những cựu binh Mỹ quay trở lại thăm chiến trường xưa và thăm sau bức tường đá “Hilton – Hà Nội”…

Giải thưởng là sự ghi nhận những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của nhóm tác giả là cán bộ, viên chức Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, đã kể những câu chuyện xúc động về một thời kỳ hoa lửa bi hùng của dân tộc, góp phần lan toả đến các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ những cảm nhận, những tư duy tích cực để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *