Gia đình

Hà Nội đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả

Sáng 13/10, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phường Bồ Đề (quận Long Biên), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội, Ban đại diện Người cao tuổi Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Dự Hội nghị có Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Đào Đức Việt; Phó trưởng ban thường trực Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Nguyễn Thế Toàn; Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương; Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung. Cùng đại diện các phòng, ban: Ban Tuyên giáo Thành ủy, ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội.

Những kết quả bước đầu trong triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương khẳng định: Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam; là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu chắt, liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo. Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

Năm 2019, TP Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn Thành phố từ năm 2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Kết quả minh chứng năm 2022, tổng số hộ gia đình toàn Thành phố là 2.090.892, trong đó có 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019). Cũng qua việc thí điểm và triển khaithực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương phát biểu đề dẫn Hội nghị.

“Mục đích của việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội” – bà Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, UBND Quận Long Biên đã ban hành kế hoạch triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025 trên địa bàn quận Long Biên”. Trong đó, tập trung chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tới các phường trên địa bàn, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Công tác gia đình trên địa bàn quận được triển khai đồng bộ đã giúp nâng cao nhận thức về công tác xây dựng gia đình trong các cấp, các ngành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Năm 2022, toàn quận có 66.337 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 93,18 %); có 202/222 tổ dân phố đạt danh tổ dân phố văn hóa đạt tỷ (lệ 90,9). “Để nâng cao chất lượng công tác gia đình, thời gian tới, quận Long Biên tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đìnhtrên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tập trung vào việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác xây dựng Gia đình, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” – bà Đinh Thị Thu Hương khẳng định.

Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện Bộ tiêu chí

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, gia đình ông có 3 thế hệ với 08 người cùng sinh sống trong một mái nhà tại phường Bồ Đề, có thành phần đa dạng, từ người già đến trẻ nhỏ với đặc thù công việc, tâm sinh lý khác nhau, thậm chí là văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nhưng có cùng một mục tiêu là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. “Nhận thức Bộ tiêu chí ứng xử gia đình là những nội dung thiết thực, gần gũi và có tác dụng trực tiếp đến gia đình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu là những câu chuyện nho nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, những khi tề tựu, rồi các hoạt động tập trung dịp lễ, tết, kỷ niệm, sinh nhật có cả gia đình, chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia. Có khi xem thời sự, đọc báo thấy những sự việc có liên quan đến nội dung này, gia đình tôi cũng sôi nổi bàn luận, đưa ra quan điểm, cái nhìn nhất định, từ đó rút kinh nghiệm, nhắc nhở con cháu cùng thực hiện. Trong các hoạt động thường ngày, các tiêu chí ứng xử chung này cũng được ông, bà, người lớn của gia đình tôi lấy làm kim chỉ nam để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực hơn. Nếu chưa phù hợp, chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh ngay, khi phù hợp chúng tôi động viên, khen ngợi… để nội dung của Bộ tiêu chí được lan tỏa và thấm sâu”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên chia sẻ tại Hội nghị.

Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh cho biết, trong những năm vừa qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm luôn xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội. Các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc thông qua việc xây dựng các mô hình, phần việc cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, Hội đã gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động chăm lo đời sống phụ nữ. Xác định nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên bắt đầu từ việc giúp phụ nữ chủ động trong phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, điều hòa các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo. Cùng như bàn về vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh kết luận tại Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhận định, qua báo cáo có thể nhìn nhận kết quả việc triển khai thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình, đặc biệt là kết quả của việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTTDL ban hành và được Thành phố triển khai thực hiện. Qua 15 tham luận tại Hội nghị đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác gia đình và nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa, góp phần hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Trong thời gian vừa qua, Hà Nội cũng là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước tập trung làm tốt công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa với nhiều cách làm hay, những mô hình hết sức cụ thể trong các cấp hội Phụ nữ, hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, các trường học… Cũng qua các ý kiến, Hội nghị đã nhận diện được những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị: Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá để các gia đình văn hóa ở địa phương thực sự là hạt nhân chính trị để hoàn thành nhiệm vụ của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.

Thúy Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *