Di sản – Bảo tồn

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội

Sáng 19/8, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” để thêm một lần nữa phân tích, khẳng định những giá trị to lớn tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Theo kết quả thống kê, phân loại di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội có 5.922 di tích – là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử văn hóa. Hơn thế, trong bảng phân loại, Hà Nội có đủ 4 loại di tích được quy định tại Luật Di sản văn hóa, Luật bổ sung và sửa đổi kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh.

Thời gian qua, sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích… Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

Trước quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững, xác định bảo tồn di sản, văn hóa là nguồn lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững và giao lưu văn hóa, UBND Tp Hà Nội đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” nhằm mục đích từ những tiếp cận khác nhau, thêm một lần nữa phân tích, khẳng định những giá trị to lớn tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Xem xét một cách khách quan, khoa học, phân tích làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội và chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới thực trạng, các di tích bị xuống cấp, bị xâm hại, bị vi phạm. Từ đó đề xuất các kiến nghị, các giải pháp cso tính thuyết phục, có hiệu quả để đảm bảo cho việc thực hiện đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển bền vững.

Với 31 tham luận, hội thảo xoay quanh 3 nội dung chính: Một là những vấn đề chung; Hai là giá trị tiềm năng của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô; Và ba là bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội khẳng định: “Giá trị, tiềm năng của di sản văn hóa – bà đỡ cho các hoạt động hướng tới tương lai, về cơ bản chúng ta đã thấu hiểu được. Tuy nhiên, trước việc hàng loạt các di tích đang bị xuống cấp, trước tình trạng việc thực thi các văn bản quy phạm, pháp luật và bảo tồn di sản văn hóa của Nhà nước, của Thành phố chưa tốt dẫn đến việc vi phạm di tích, vi phạm luật vẫn còn… Vì thế, nội dung chủ yếu Thành phố mong muốn ở hội thảo là từ các cách tiếp cận khác nhau, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những yếu kém, những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đồng thời gợi mở những nhóm giải pháp và giải pháp cụ thể cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội vững bền, xứng đáng là Thành phố anh hùng, Thành phố di sản văn hóa”.

Tiến sĩ Phạm Quang Nghị – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Phạm Quang Nghị – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất chứ không phải đối lập với nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức và phương pháp phù hợp, tương ứng với giá trị và điều kiện cụ thể; đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. Không thể dùng ý chí chủ quan, đòi hỏi sự bảo tồn cực đoan, bỏ qua yêu cầu phát triển… Trái lại, với yêu cầu gìn giữ và kế thừa di sản của quá khứ, cũng không ai có thể nhân danh sự phát triển để hủy hoại di sản của cha ông để lại… Để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, thành phố luôn phải xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển… Việc cần ưu tiên bảo tồn cái gì, nơi nào… tùy thuộc vào tầm vóc, giá trị và điều kiện cụ thể của từng di sản, di tích. Cũng với quan điểm như vậy, chúng ta sẽ xem xét khi nào cần ưu tiên cho sự phát triển”.

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” là diễn đàn trao đổi, nơi các nhà khoa học chia sẻ ý kiến, quan điểm, tạo sự thấu hiểu và đồng thuận, giúp Hà Nội trong quá trình xử lý các vấn đề cụ thể do thực tiễn đặt ra, giải quyết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đồng thời phát huy được giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *