Tin ngành

Chủ động, sáng tạo, đổi mới trong công cuộc xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn của đất nước

Sáng 3/3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chủ trì buổi làm việc còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy và cán bộ chủ chốt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Ngành Văn hoá, Thể thao Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, Sở đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình công tác có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý nhà nước nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục được tăng cường, kiểm soát tốt. Công tác xây dựng, triển khai các văn bản pháp quy, văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao được chú trọng. Trong đó, Sở đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố về việc sửa đổi Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình thực tế; rà soát, hoàn thiện đề án sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn hiệu quả; Tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết về: Đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020; Quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách Thành phố.
Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”. Tham mưu xây dựng Chương trình số 06 của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Sở đã tham gia thực hiện tu bổ, tôn tạo 179 di tích với tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó có gần 468 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa.
Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, có nhiều đổi mới. Chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được nâng lên. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế tiếp tục được mở rộng. Các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô được tổ chức thành công.
Các chỉ số về phong trào thể dục, thể thao quần chúng năm 2020 trên địa bàn thành phố đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ dân số tập luyện thể thao thường xuyên đạt 42%, số gia đình thể thao đạt 30%. Thể thao Hà Nội mặc dù bị thay đổi, dừng nhiều kế hoạch tập huấn trong nước, quốc tế do dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì vị trí dẫn đầu toàn quốc, đạt 2.134 huy chương trong nước và 19 huy chương quốc tế.
Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa của Hà Nội vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được hết mong mỏi: “Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước”.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện. Đáng chú ý, Sở sẽ hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long – Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0; tham mưu Thành ủy xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy; tham mưu UBND thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), của thành phố Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; phấn đấu đóng góp 30% lực lượng và 30% huy chương cho thể thao Việt Nam tại Đại hội.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nêu 5 nhóm kiến nghị với thành phố. Trong đó, Sở kiến nghị thành phố cho phép tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển đối với những nghệ sĩ, vận động viên có thành tích xuất sắc; tiếp tục xây dựng thiết chế thể dục, thể thao ngoài trời giai đoạn 2 để phục vụ nhân dân tập luyện, nâng cao sức khỏe…

Đại diện các đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa và Thể thao như: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám… cũng đã nêu những khó khăn vướng mắc đồng thời đưa ra những kiến nghị đối với thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về những kiến nghị của Sở, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục hạn chế, thúc đẩy lĩnh vực văn hóa, thể thao Thủ đô phát triển xứng tầm.

Đưa văn hóa, thể thao, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, buổi làm việc có ý nghĩa rất cần thiết trong việc xây dựng Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025″.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HNM.

Theo Bí thư Thành ủy, văn hóa, thể thao của Hà Nội còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém. Đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa tương xứng, còn dàn trải, hiệu quả thấp.

Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tập trung phân tích, đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và xây dựng con người Hà Nội; trong đó, cần phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trọng tâm là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố là phải đưa văn hóa, thể dục, thể thao, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô; Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa; con người Hà Nội trở thành con người Việt Nam tiêu biểu trong thời đại mới.
Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan thành phố phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sang hoạt động theo cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng. Tuy nhiên, trước khi tham mưu, ban hành những quyết sách mới, các cơ quan thành phố phải trao đổi kỹ với các nhà hát, trung tâm; không phải thực hiện tự chủ là để cho nhà hát, trung tâm tự lo hết; tạo điều kiện cho đơn vị tuyển chọn bổ sung nhân sự nếu còn biên chế…

Đồng chí Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; trong đó, bằng các nguồn vốn, sớm đầu tư xây dựng rạp mới phục vụ công tác biểu diễn cho Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội (Nhà hát chưa có rạp biểu diễn) và xem xét, bố trí rạp biểu diễn cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu tham mưu đề xuất đổi mới chính sách phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử; bảo đảm phù hợp các đối tượng, không để quá thấp như hiện nay.

Để văn hóa, thể thao phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm Văn hóa lớn của đất nước.

Thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp thu ý kiến các đồng chí lãnh đạo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định sẽ tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém; trên cơ sở đó, tích cực phối hợp tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhất ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; phát triển văn hóa, thể thao xứng tầm vị thế Thủ đô.

Thái Hoà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *