Sự kiện

Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), chiều 8/10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương.
Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; đại diện các sở, ban, ngành, các cụm thi đua của thành phố; đại diện cán bộ chiến sĩ và lực lượng vũ trang về tiếp quản Thủ đô; đại diện Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại buổi lễ.

Tháng 8/1944, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số nhà 46 Bát Đàn, Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời, chính thức mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Sự ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và Hà Nội cần phải có một tổ chức độc lập, tinh nhuệ của thanh niên, học sinh yêu nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết – Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự dẫn dắt của đồng chí Lê Quang Đạo – Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, đồng chí Vũ Quý – Ủy viên Ban sự Đảng, đồng chí Vũ Oanh – Bí thư Thanh niên cứu quốc, thanh niên, học sinh Hà Nội nhanh chóng trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng.
Được sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Thành ủy Hà Nội, đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện mọi hình thức đấu tranh cách mạng táo bạo nhưng cũng rất khôn khéo, sáng tạo, hiệu quả cao.
Để hoạt động được triển khai rộng khắp trên tất cả các mặt trận, cũng như phát huy, khai thác thế mạnh của từng đoàn viên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã thành lập các Đội, tổ bán chuyên trách tách ra từ Đoàn thanh niên cứu quốc hoạt động chuyên nghiệp, riêng biệt, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể.
Đáng chú ý, trong 260 ngày hoạt động, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ như: tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh tại chợ Canh (Hoài Đức, Hà Tây); đột nhập tổ chức mít tinh tại trường E.P.I.V; tổ chức mít tinh tuần hành vũ trang tại làng Mễ Trì; phối hợp với thanh niên cứu quốc xã Nhân Chính, Từ Liêm phá kho thóc Nhật tại đình làng Mọc, Quan Nhân chia cho dân nghèo; đột nhập, diễn thuyết phá cuộc triển lãm độc lập giả hiệu do chính quyền bù nhìn tổ chức ngay sau ngày khai mạc;…
Cách mạng tháng Tám thành công, các đoàn viên thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng ở Thủ đô, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Trải qua thực tế đấu tranh đã rèn luyện cho đội ngũ thanh niên yêu nước Hà Nội trưởng thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sau giải phóng năm 1975, Ban Liên lạc các chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám (nay gọi là Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu) được thành lập.
Qua thực tế đấu tranh gian khổ trường kỳ, hiện nay, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những người con ưu tú của Thủ đô ngày ấy vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, khí thế hừng hực, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; gương mẫu thực hiện đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện tốt và đúng quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;…
hững đóng góp, thành tích hết sức đặc biệt xuất sắc của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; có sức sống mãnh liệt và để lại nhiều bài học quý báu cho tuổi trẻ và công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô.
Với những thành tích đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 634/QĐ-CTN ngày 29/4/2021 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng hoa cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Đức Vân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Đào tạo, Bộ Văn hóa, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã ôn lại truyền thống lịch sử của đơn vị. Đồng chí Lê Đức Vân bày tỏ: “Chúng tôi vẫn nhớ như in không khí sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi đó, chúng tôi chỉ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm nay, chúng tôi, người trẻ nhất cũng đã trên 90 tuổi và cũng chỉ còn 53 đội viên (tổng số 420 đội viên) còn được chứng kiến giờ phút xúc động và thật tự hào này. Chúng tôi luôn bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống của thế hệ đi trước”.

P. Linh

Ảnh: Hải – Tùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *