Di sản

Dấu ấn cố đô

Từ cuối tháng 4 này đến hết năm 2018, Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư; qua đó tuyên truyền vị trí, vai trò và giá trị lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử […]

Từ cuối tháng 4 này đến hết năm 2018, Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư; qua đó tuyên truyền vị trí, vai trò và giá trị lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội, văn hóa, danh lam thắng cảnh của cố đô Hoa Lư.

Lan tỏa từ nghệ thuật truyền thống

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, đội múa lân của xã Ninh An được chọn biểu diễn cùng đội múa rồng xã Ninh Vân trong Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư. Cùng với các đội tế, các kiệu rước, đội múa lân sẽ biểu diễn những điệu múa uyển chuyển, uốn lượn trong tiếng trống, tiếng thanh la. Qua những tiết mục ấy, người xem hội cảm thấy vui vẻ, sảng khoái, quên đi những nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống thường ngày.

Ông Tạ Tuấn Lâm, Đội trưởng Đội múa lân thôn Bộ Đầu, xã Ninh An, cho biết: Múa lân đòi hỏi những người tham gia phải có sức khỏe, dẻo dai và niềm yêu thích với môn nghệ thuật truyền thống của làng xã, quê hương. “Người múa đầu lân ngoài sự thông minh, còn phải có nghệ thuật múa điêu luyện nhất. Do đó, chỉ có những người thành thục, nắm vững kỹ thuật, có sức khỏe mới được đảm nhiệm vai này. Các vai diễn khác cũng cần sự tập trung và ăn khớp, mỗi động tác đều phải được thể hiện đúng nhịp điệu phù hợp với tiếng trống đệm…”.

Năm nay kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, nên Lễ hội Hoa Lư cũng rộn ràng hơn. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoa Lư Nguyễn Ngọc Súy cho biết, huyện được giao thực hiện 8/10 lễ trọng và nhiều hoạt động phần hội. Các lễ Mở cửa đền, Rước nước, Tế lễ cổ truyền, Rước kiệu, Cầu siêu, Hoa đăng, Mộc dục, Tiến phẩm, hầu hết được giao cho xã Trường Yên triển khai. Một số lễ như Rước nước, Rước kiệu, xã Trường Yên chủ trì, có sự tham gia của các đội múa lân, múa sư tử xã Ninh An, Ninh Vân; các Đoàn tế Nam quan, Nữ quan, Đồng quan của các xã Ninh Xuân, Ninh Giang; các kiệu đến từ những di tích lịch sử – văn hóa liên quan đến các triều Đinh, Tiền Lê ở các xã Ninh Giang… tạo không khí nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa.

Xây dựng thành sản phẩm văn hóa – du lịch

 “Vấn đề thu hút đầu tư, khách du lịch đến với Ninh Bình, thiết nghĩ là một câu chuyện dài, không thể làm trong chốc lát, cần giải pháp đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, cùng sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Trung ương. Tuy nhiên, hướng đi của Ninh Bình sẽ dựa trên truyền thống văn hóa – lịch sử hàng nghìn năm làm điểm tựa, góp phần cho những bước chuyển mình thời gian tới”.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường

Cùng với Hoa Lư, các địa phương khác của Ninh Bình cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị theo kế hoạch. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 – 2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 nhằm tuyên truyền vị trí, vai trò và giá trị lịch sử của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc; khơi dậy truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc, nhất là trong giới trẻ hiện nay; đồng thời, quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế – xã hội, văn hóa, danh lam thắng cảnh của cố đô Hoa Lư, thu hút đầu tư, khách du lịch. “Các hoạt động sẽ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả; mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử, bản sắc dân tộc và có tính giáo dục cao, xứng tầm với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt và công lao của vua Đinh Tiên Hoàng”, ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho ngày hội đã cơ bản hoàn tất. Trọng tâm là chương trình nghệ thuật đêm khai mạc (24.4, tức 9.3 ÂL) tại sân lễ hội Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư). Với chủ đề “Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”, chương trình khắc họa vai trò của Đinh Bộ Lĩnh từ những ngày cờ lau tập trận, đến khi ngài dẹp yên 12 sứ tướng, thu non sông về một mối. Chương trình dành một đại cảnh thể hiện vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt đến thời đại Hồ Chí Minh, cho thấy trải qua 1.050 năm thăng trầm, dân tộc Việt vẫn chung một ý chí độc lập tự cường, xây nền thống nhất, khát khao hòa bình, bảo vệ giang sơn gấm vóc. “Đó cũng là ý nghĩa cao đẹp, tư tưởng nhân văn mà nhân dân Ninh Bình mong muốn gửi đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế về truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc. Qua đó, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Cố đô Hoa Lư, nhằm thu hút đầu tư, khách du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Các hoạt động trọng tâm lễ hội sẽ được diễn ra từ ngày 24 – 27.4, với phần giao lưu văn hóa – thể thao mở rộng, có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ Thanh Hóa, Lào, Hàn Quốc… Sau đó, từ nay đến hết năm 2018, Ninh Bình đầu tư xây dựng một số nội dung dự kiến trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, thông qua lần tổ chức này sẽ rút kinh nghiệm, tiến tới mở rộng và xây dựng thành các hoạt động thường niên, trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch của tỉnh. Có thể hình dung, bên cạnh thế mạnh văn hóa, tâm linh, lịch sử, Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Theo daibieunhandan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *