Thế thao thành tích cao

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT TP Hà Nội đến năm 2025

Theo kế hoạch số 198/KH-UBND của UBND TP Hà Nội vừa ban hành, đối với thể thao thành tích cao, cần mở rộng mô hình liên kết đào tạo VĐV thể thao thành tích cao với các cơ sở đào tạo ngoài công lập để xây dựng lực lượng VĐV. Cùng với đó, xây dựng hệ thống các giải đấu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Ngày 5/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND, triển khai đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) TP Hà Nội đến năm 2025.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ duy trì và tổ chức định kỳ các giải thể thao học sinh, sinh viên trong năm học- Ảnh: Xuân Lượng.

Theo kế hoạch, về xã hội hóa TDTT quần chúng trên địa bàn quận, huyện, thị xã: Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ TDTT phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của dân cư trên từng địa bàn. Huy động sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng các câu lạc bộ TDTT tại quận, huyện, thị xã và cơ sở. Xây dựng các điểm tập luyện TDTT tại các tổ dân phố, khu chung cư với các trang thiết bị được huy động từ nguồn xã hội hóa. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động phong trào, hướng dẫn loại hình tập luyện phù hợp với các đối tượng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, nhất là địa bàn nông thôn, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp thành phố theo hướng khuyến khích sự tham gia đóng góp của các cá nhân và tổ chức xã hội cho công tác tổ chức giải, giải thưởng…
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trong nhà trường, tận dụng cơ sở vật chất, sân bãi nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục thể chất của từng cấp học, tạo thành phong trào tập luyện TDTT trong học sinh, sinh viên…, góp phần nâng cao thể lực, phòng chống các tệ nạn xã hội. Tổ chức tốt các chương trình ngoại khóa, các lớp năng khiếu thể thao trong nhà trường. Mỗi nhà trường xây dựng được tối thiểu từ 2 môn thể thao phù hợp với học sinh để phát triển thành câu lạc bộ TDTT. Duy trì và tổ chức định kỳ các giải thể thao học sinh, sinh viên trong năm học, kêu gọi các cá nhân, các tổ chức xã hội cùng phối hợp tổ chức các giải.
Thiết lập và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT với các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội triển khai vận động, tổ chức các hoạt động TDTT ở các khu dân cư. Đăng ký hằng năm tổ chức các giải thể thao dành cho cán bộ, công chức, người lao động, nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên. Chuyển dần việc tổ chức các giải thể thao cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao đủ điều kiện. Gắn việc tổ chức giải với việc tuyên truyền, quảng cáo, quảng bá hình ảnh của giải với hình ảnh của các doanh nghiệp, liên đoàn, hiệp hội. Phân định rõ chức năng, phạm vi điều hành công việc giữa các tổ chức xã hội với cơ quan quản lý nhà nước về TDTT.
Đối với thể thao thành tích cao: Mở rộng mô hình liên kết đào tạo VĐV thể thao thành tích cao với các cơ sở đào tạo ngoài công lập để xây dựng lực lượng VĐV. Khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân mở các lớp đào tạo năng khiếu thể thao. Mở rộng các cơ sở đào tạo năng khiếu thể thao tại quận, huyện, thị xã theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Lựa chọn các môn thể thao trọng điểm cần tập trung đầu tư, ngoài nguồn ngân sách do Nhà nước bảo đảm huy động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào công tác đào tạo và huấn luyện tạo sự đột phá về thể thao thành tích cao.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống các giải đấu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, tạo cơ hội cho các vận động viên tài năng được tham gia thi đấu, cọ xát tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Tiến tới xây dựng các quỹ dành cho phát triển thể thao trên địa bàn thành phố như: Quỹ bảo trợ tài năng thể thao, Quỹ hỗ trợ vận động viên trẻ do các tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập và tổ chức hoạt động. Thành lập các câu lạc bộ cổ động viên dành cho những người hâm mộ thể thao đối với từng môn: Bóng đá, điền kinh, Wushu, bơi…
Đối với thể thao chuyên nghiệp: Thực hiện chuyên nghiệp hóa các môn thể thao được sự quan tâm của xã hội (phát triển thể thao nhà nghề); gắn với hoạt động kinh doanh và giải trí; huy động các nguồn lực để phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp có sự kết hợp giữa vốn ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa theo định hướng chung của cả nước và đặc thù riêng của Hà Nội. Hình thành và phát triển thị trường chuyển nhượng nhân lực thể thao và thị trường dịch vụ thể thao; xây dựng hệ thống các quy định và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ các hoạt động đào tạo, huấn luyện và thi đấu, tổ chức các hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao của Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực…
Ngoài ra, thành phố còn chú trọng đến các thiết chế phục vụ hoạt động thể dục thể thao; các tổ chức liên đoàn, hiệp hội về TDTT; phát triển mạng lưới dịch vụ TDTT…

Nguyên An

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *