Tin tức - Sự kiện

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại

Đó là mục tiêu được Hà Nội đặt ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội diễn ra sáng 12/10/ 2020.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo Chính trị tại Phiên khai mạc Đại hội sáng 12/10/2020 – Ảnh: HNM

Báo cáo nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2015-2020 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Thủ đô Hà Nội, với nhiều kết quả quan trọng, tiếp nối truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo cũng cho thấy tầm nhìn, trí tuệ và khát vọng vươn lên của Thủ đô. Đó là trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, Hà Nội phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Theo đó Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, Báo cáo chính trị nêu 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực, trong đó 6 chỉ tiêu kinh tế; 6 chỉ tiêu văn hóa – xã hội; 5 chỉ tiêu quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường và 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là từ 7,5-8,0%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 bao gồm: Dịch vụ chiếm 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23,0% và nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%.

Cũng 5 năm tới, Hà Nội dự kiến phấn đấu đạt tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%; có tỷ lệ 30-35 giường bệnh/vạn dân, 15 bác sĩ/vạn dân; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Hà Nội cũng dự kiến thực hiện và đạt 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố… Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%. Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%. 100% hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch.
Đảng bộ thành phố dự kiến phấn đấu,kết nạp mới hằng năm đạt từ 9.000-10.000 đảng viên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75% và tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75%.

Các đại biểu tham dự Đại hội sáng 12/10/2020 – Ảnh: HNM

5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Báo cáo chính trị nêu rõ 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Đây đều là những nội dung đã nhận được sự nhất trí cao của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô thông qua 10 hội nghị lấy ý kiến, đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19-9-2020. Cụ thể:

Cụ thể 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Một là, Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội nghũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sông, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.

Hai là, Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD.

Ba là, Phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

Bốn là, Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

Năm là, Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Trung ương và Thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền và giao lưu Nhân dân; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành, Trung ương và liên kết các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.

Ba khâu đột phá
Một là, Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ba là, Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

14 nhóm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025
1. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh.
2. Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững.
4. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp Thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
5. Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô.
6. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
7. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.
8. Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.
9. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
10. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an oàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống.

Báo cáo Chính trị cũng khẳng định: Đây là những nội dung được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố tập trung xem xét, thảo luận để thông qua; xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng với thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XVI trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều thách thức 5 năm qua, có niềm tin vững chắc rằng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, tạo ra bước chuyển mới như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

P.V

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *