Chưa được phân loại

Hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII: Kinh tế – xã hội của Thủ đô phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 03-CTr/TU về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô đã có nhiều chuyển biến rõ nét; môi […]

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 03-CTr/TU về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô đã có nhiều chuyển biến rõ nét; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 

 

Nhiều dấu ấn nổi bật
Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội xác định phát huy tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; đẩy mạnh kinh tế tri thức; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện nhiệm vụ này, Thành ủy đã ban hành và thực hiện Chương trình 03-CTr/TU và nhiều Nghị quyết, đề án, chuyên đề về cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, tình hình phát triển  kinh tế – xã hội của Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Cơ cấu theo các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng các nhóm ngành phi nông nghiệp luôn ở mức cao trong nền kinh tế. Nếu như năm 2015, tỷ trọng các ngành dịch vụ – thương mại, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp tương ứng là 64,98%, 20,79% và 2,54% thì đến năm 2020, các tỷ trọng tương ứng dự kiến là 63,48% (giảm 1,5 điểm %), 23,23% (tăng 0,44 điểm %) và 2,09% (giảm 0,45 điểm %); thuế trừ trợ cấp sản phẩm là 11,2% (giảm 0,49 điểm %).
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP (từ 37,50% năm 2015 lên 39,2% năm 2019). Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 37,77% (2015) xuống còn 34,8% (2019); trong khi mức đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 10,1%.
Tỷ trọng lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi giảm dần trong nông nghiệp: cuối năm 2018 các tỷ trọng tương ứng là 56% (tăng 1,1 điểm % so năm 2015), 30,8% (tăng 0,6 điểm %) và 13,2% (giảm 1,7 điểm %).
Dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 03, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thành phố xác định là phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Cải cách hành chính (CCHC) được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện tại các cơ quan, đơn vị, tạo được chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bản Thủ đô. Năm 2019, chỉ số CCHC (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 07 bậc so với năm 2015; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc so với năm 2017.
Cũng trong 5 năm qua, Hà Nội thường xuyên định kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tổ chức xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư… Nhờ đó, 5 năm qua, Hà Nội đã thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiệu lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét.
Với mục tiêu “đến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”, kết quả, năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018); xếp ở vị trí 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015.
Mặc dù việc thực hiện Chương trình 03 đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, song thực tế cho thấy vẫn còn không ít hạn chế cần tập trung khắc phục. Hay nói cách khác, những mục tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra không chỉ có ý nghĩa cấp bách trong nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là vấn đề cơ bản, lâu dài của Đảng bộ thành phố giai đoạn tiếp theo.
Vì thế, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong đó, lưu ý đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI.
Đồng thời, tập trung thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Chú trọng hơn nữa trong việc tạo đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu vực phía Nam Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều ở các khu vực. Quyết liệt thực hiện đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Có cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển kinh tế – xã hội.
Bình An
Theo Cổng GTĐT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *