Di sản

Di tích Quốc gia – Đình Dục Tú

Đình có quy mô kiến trúc rộng lớn với tổng thể kiến trúc gồm giếng đình, sân, tiền tế, đại đình, hậu cung và đền liền sát…

Dục Tú là vùng đất cổ, được ca ngợi là đất “Dục Chung Anh – Tú Hải Hà” với nghĩa “Nuôi khí thiêng để làm đẹp sông biển”. Đình làng Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh vốn là ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp.

Sĩ Nhiếp – Người đã có vai trò thúc đẩy một bước mạnh mẽ phát triển nho học ở Giao Châu. Theo thần tích của làng cũng như sách “Việt điện u linh” thì Sĩ Nhiếp là người có đạo đức, hiếu hạnh, liêm chính. Vào thời vua Hán Hiến Đế đã làm Thái thú đất Giao Châu. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà viết sử Ngô Sĩ Liên ghi ông ở ngôi 40 năm, thọ 90 tuổi. Ông là người khoan hậu, khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ cả đất Việt, chống với thế mạnh Tam Quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, có thể gọi là bậc vua hiền…Ông được, bổ làm Thái thú Giao Châu (tức Giao Chỉ – một phần nước Việt Nam ngày nay), phong là Long bộ đình hầu, đóng đô ở Liêm Lâu (tức Long Biên). Sau nhà Trần truy phong ông làm “Thiên cảm gia ứng linh vũ đại vương”. Khi làm Thái Thú, Sĩ Nhiếp luôn chăm lo đời sống Nhân dân đất Giao Chỉ và được các sử gia đánh giá là một nhân vật tích cực.

Đình Dục Tú  được xây dựng sau khi Sĩ Nhiếp mất không lâu. Ngôi đình Dục Tú còn giữ đến ngày nay đã được trùng tu lại, có kiến trúc vào khoảng thế kỷ XVII đẹp thanh thoát, mang đậm dấu ấn của ngôi đình truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đình có quy mô kiến trúc rộng lớn với tổng thể kiến trúc gồm giếng đình, sân, tiền tế, đại đình, hậu cung và đền liền sát. Sân đình rộng lát gạch bát tràng cổ. Đại đình có 4 mái với 4 góc đao cong. Hậu cung gồm 3 gian, xây dựng kiểu đầu hồi bít đốc với 4 hàng chân.

Trong đình Dục Tú hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật quý, như đôi vẹt thờ làm từ thế kỷ XVII, cuốn Thần phả ghi sự tích của Sĩ Nhiếp cùng 18 đạo sắc phong thần, trong đó có 7 sắc phong thời Lê, 2 sắc phong thời Quang Trung và 9 sắc phong thời Nguyễn và nhiều đồ thờ khác làm dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX, các mảng chạm khắc đẹp, sinh động, các mái cong hài hòa uyển chuyển…

Đình Dục Tú đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1995.

Đình Dục Tú còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn nghệ – thể thao của địa phương

Theo Thần phả còn lưu lại tại đình làng, khi làm Thái Thú Giao Chỉ có lần qua đất Dục Tú, Sĩ Nhiếp đã dừng chân nghỉ ngơi, vịnh thơ ca ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ nơi ông dừng chân năm xưa, nay là đình Dục Tú và suy tôn ông là Thành Hoàng làng. Hàng năm, vào ngày 12 tháng Hai (âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ hội với nghi thức tế, lễ để tưởng nhớ công lao của ông. Tại lễ hội bao giờ cũng có tổ chức thi thả chim câu với  khát vọng tự do, hòa bình, cầu cho quốc thái dân an, vạn vật hưng thịnh.

Thanh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *