Văn hóa cơ sở

Đông Anh phát triển đời sống văn hóa

Phát huy truyền thống Anh hùng, nhiều năm qua, nhân dân và cán bộ trong huyện đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đưa Đông Anh trở thành một huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, một miền quê đáng sống. Chặng đường xây dựng kinh tế, phát triển Đông Anh thành một vùng quê giầu và đẹp, địa phương đã gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo: Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đông Anh (Ảnh: Việt Quang)

Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở Đông Anh ngày càng đồng bộ, hiện đại

          Là địa phương đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa cao, nhưng công tác văn hóa – xã hội, phát triển văn hóa luôn được huyện Đông Anh chú trọng, an sinh xã hội ở địa phương luôn được đảm bảo, các đối tượng chính sách trong huyện được chăm sóc ngày một tốt hơn, có mức sống trung bình cao hơn mức sống của nhân dân địa phương. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử thường xuyên được tu bổ, tôn tạo; các lễ hội truyền thống được duy trì gắn với nét đẹp Thủ đô như lễ hội đền Sái, lễ hội Cổ Loa, hội Canh Lực, hội Xuân Canh, hội làng Quậy, v.v..Đông Anh tự hào là vùng đất kinh đô của nước Việt xưa, nay, trên toàn huyện còn 413 di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, với 93 lễ hội dân gian đặc sắc. Hiện huyện đang hoàn thành cuốn sách “Đông Anh – Di tích và Lễ hội”. Tự hào hơn, nhiều năm qua công tác Văn hóa thể thao của Đông Anh luôn ở tốp đứng đầu thành phố, nhất là Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Có được điều đó là do nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền trong huyện Đông Anh luôn coi trọng đến sự nghiệp phát triển văn hóa; coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Từ đó, triển khai khá hiệu quả các phong trào, các hoạt động văn hóa tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, đơn vị. Huyện phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có 100% hộ gia đình đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa, từ 90 -95% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa; 100% thôn, làng  Khu dân cư văn hóa đăng ký xây dựng Làng, Khu dân cư văn hóa. Đến nay đã có 89,2% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 92,3% thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa, 75,% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, 22/23 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới, 51,16% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Việc triển khai tổ chức tọa đàm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai ở 24/24 xã, thị trấn, trong huyện…

Tọa đàm Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở huyện Đông Anh

Đáng lưu ý, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, huyện Đông Anh luôn lồng ghép với việc xây dựng và phát triển người Hà Nội thanh lịch văn minh theo Chương trình 04-CTr-TU về phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các chỉ tiêu cụ thể, trong đó chú trọng đến việc thực hiện tốt những nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Huyện còn đề ra Chỉ thị số 03 và Đề án số 05 nhằm chú trọng phát triển đời sống văn hóa, trang bị, đầu tư cho thể thao để xây dựng người Đông Anh phát triển cả về trí và lực, xây dựng Đông Anh không chỉ giầu mà còn đẹp và văn minh.

Năm 2018 và những năm tiếp theo nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra: Tiếp tục xây dựng Đông Anh luôn là miền quê đáng sống và sớm trở thành một quận nội thành,  xứng đáng với truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời của địa phương.

Thanh Quy

 

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *