Di sản – Bảo tồn

Gìn giữ những giá trị truyền thống tại “Tết phố”

Ngày 18/1, lần đầu tiên người dân và du khách được đón “Tết phố” đặc sắc ngay tại Phố cổ Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa được Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng CLB Đình Làng Việt và các đơn vị tổ chức, cá nhân tổ chức nhân dịp Mừng Đảng – Mừng Xuân 2020.

Tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân trong trang phục truyền thống. Ảnh: Hiền Anh.

“Tết phố” diễn ra tại nhiều điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội. Tại lễ khai mạc “Tết phố” diễn ra tại đình Kim Ngân, 42 – 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, người dân và du khách được chứng kiến hoạt động sắp mâm lễ của gia đình dòng họ Hà Nội dâng cúng các lễ vật đặc trưng lên đình. Ban tổ chức tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân trong trang phục truyền thống; lễ cáo yết Thành hoàng. Đặc biệt, đông đảo đại biểu và nhân dân tham gia lễ dựng cây nêu và hoạt động diễn xướng dân gian: Hát, múa cửa đình (Hải Phòng), hát xoan (Phú Thọ), múa bồng (Triều Khúc, Hà Nội), hát chèo, hát văn… Cũng tại đình Kim Ngân, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống, tổ chức tọa đàm về phong tục truyền thống Tết của người Hà Nội.

Tại Ngôi Nhà Di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội và giới thiệu hoạt động gói bánh chưng.
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm là không gian trưng bày giới thiệu hình tượng chuột trong văn hóa dân gian. Tại đây cũng có hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ nhạc.
Tại Trung Tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu quy trình và một số sản phẩm tiêu biểu của ba dòng tranh dân gian Việt Nam: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng. Đồng thời, trưng bày bộ ảnh giới thiệu một số công đoạn làm nghề của ba dòng tranh dân gian truyền thống.
Trong dịp Tết nguyên đán, Ban quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu nghệ thuật âm nhạc truyền thống đến người dân tại đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đền Quán Đế, Hội quán Phúc Kiến.

Không gian giới thiệu 3 dòng tranh dân gian (Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng) tại của Đình Kim Ngân. Ảnh: Hiền Anh.
Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều người dân và du khách.

Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, “Tết phố” được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giúp giới trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức ra nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Tổ chức UNESCO đánh giá cao các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức. Vì lẽ đó, chương trình “Tết phố” phần lớn sẽ do cộng đồng thực hiện nhằm phát huy các giá trị di sản Phố cổ Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung.
“Tết phố” sẽ diễn ra đến hết ngày 9/2 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Canh Tý). Bên cạnh hoạt động “Tết phố” tại các điểm di sản, khu vực Không gian phố bích họa Phùng Hưng cũng diễn ra nhiều hoạt động phong phú. Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức trang trí, chiếu sáng không gian phố bích họa Phùng Hưng và chợ hoa Tết phố Hàng Lược. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết như: Tranh dân gian, con giống đất, nghề mây tre đan, nghề gốm, nghề gỗ mỹ nghệ, điêu khắc, thư pháp, trò chơi dân gian và một số các sản phẩm nông sản đặc trưng của các tỉnh trên cả nước. Thời gian hoạt động đến hết ngày 19/1 (tức 25 tháng Chạp năm Canh Tý).

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *