Di sản – Bảo tồn

Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”.

Bảo tồn di sản, phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình. Tiêu biểu như Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09 -NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố); hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ. Sở hữu số lượng lớn di sản, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Hà Nội làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù.

Thành phố ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2016, Hà Nội hoàn thành đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014 – 2016”. Qua đó xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông. Để huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản, ngày 18/2/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025 với những nội dung thực hiện từng năm và trọng tâm các năm…Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội…, trong đó xác định rõ thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định ngân sách Thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.

Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú – tôn vinh những người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai phương pháp giáo dục di sản với nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng. Thông qua hành trình khám phá di sản  với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn, nhiều di tích như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã tạo dựng được thương hiệu, tăng sức hút với du khách.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai, thực hiện việc số hóa di sản. Qua đó góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Cùng với đó, công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng. Toàn thành phố hiện có 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh ở nhiều nội dung; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hà Nội có 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đề xuất các giải pháp làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…; khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mớichú ý giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa. Đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển CNVH – mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước. Tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân  để mọi người hiểu vai trò của di sản trong thực hiện công nghiệp văn hóa, hiểu rõ trách nhiệm,quyền lợi trong tham gia thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Đức Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *