Hà Nội đẹp

Hà Nội đạt nhiều kết quả trong thực hiện các cam kết xây dựng Thành phố Sáng tạo

Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới với việc tổ chức được 08 Hội thảo, Tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội – thành phố Sáng tạo; Hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố Mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”  với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 có chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”

 Lễ khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 để lại nhiều ấn tượng với các tiết  mục nghệ thuật hoàng tráng

Việc gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Ngay sau khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, năm 2020 UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội – Thành phố sáng tạo” nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.  Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025.

Năm 2021, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo “Xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo – Kinh nghiệm từ các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong khu vực”

Năm 2023, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, quan khách, trong đó có hơn 20 đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo của UNESCO

Sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy Thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, mặc dù trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhưng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới với việc tổ chức được 08 Hội thảo, Tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội – thành phố Sáng tạo; Hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố Mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm với các chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo” (năm 2021), “Sáng tạo và công nghệ” (năm 2022). Năm 2023, Lễ hội thiết kế Sáng tạo của Hà Nội có chủ đề “Dòng chảy”  tập trung vào 3 trụ cột chính là thiết kế, cộng đồng và sáng tạo nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra ở quy mô lớn với sự tham gia của 200 đơn vị, các nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, nghệ sĩ  với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc; hơn 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm; nhiều hoạt động văn hóa, sáng tạo được tổ chức ở nhiều quận, huyện thị xã…  Sau 3 năm tổ chức, Lễ hội đã ngày càng được khẳng định và góp phần truyền cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sức mạnh sáng tạo của Thủ đô, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ khác phát triển.

Cuộc thi “Thiết kế không gian triển lãm Tinh hoa làng nghề Hà Nội” là một trong những hoạt động thiết thực, thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực Thiết kế, Sáng tạo, tôn vinh làng nghề truyền thống, tạo sân chơi cho cộng đồng nhà thiết kế trẻ giao lưu, kết nối.

Bên cạnh đó, Thành phố đã ưu tiên triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến trong việc phát huy hiệu quả các không gian đi bộ công cộng, góp phần tạo nhiều không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố.  Với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, ngày 08/12/2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Các nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội. Đồng thời, thành phố Hà Nội duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO…và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau 4 năm là Thành phố Sáng tạo (lĩnh vực thiết kế), Hà Nội đã có những bước đi vững chắc trong thực hiện sáng kiến, cam kết với UNESCO. Dòng chảy văn hóa, dòng chảy sáng tạo đã và đang ngày càng lan tỏa, tạo nên sức mạnh để xây dựng Hà Nội – Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Thanh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *