Di sản – Bảo tồn

Hà Nội dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích

Thành phố dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích. Gồm 58 dự án cấp Thành phố với số kinh phí là 5.676 tỷ đồng; 1.229 dự án cấp huyện với số kinh phí  là 22.010 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ 11.802 tỷ đồng.

 Ngày 7/4/2022,   phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Thành phố ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư cho 3 lĩnh vực để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo và bế mạc Hội nghị. 

Ảnh: Viết Thành

Theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có 21 cụm di tích Quốc gia đặc biệt (89 di tích đơn lẻ), 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.452 di tích cấp Thành phố và 3.221 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng đã được khai thác hiệu quả, trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch nổi bật của Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ, cần đầu tư, tôn tạo. Chính vì thế, Thành phố dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích. Gồm 58 dự án cấp Thành phố với số kinh phí là 5.676 tỷ đồng; 1.229 dự án cấp huyện với số kinh phí  là 22.010 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ 11.802 tỷ đồng.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng nâng cao chất lượng và đi vào thực chất. Thành phố đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020, “100% các thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng” theo Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (hiện còn thiếu 40 Nhà văn hóa do chưa có địa điểm để triển khai và các đơn vị chưa có đủ thủ tục để bố trí vốn).

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, đối với lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích, các đơn vị cần rà soát hết sức kỹ lưỡng, thận trọng nhằm bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử; đẩy mạnh đầu tư, số hóa trong lĩnh vực di tích nhằm tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình di tích lịch sử; góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa trong giới trẻ và quảng bá, giới thiệu văn hóa ra khu vực, thế giới.

Dự kiến, sau khi hoàn thành “Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội”, 49 công trình do cấp Thành phố quản lý (Cụm di tích Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến…) và 371 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố do các huyện, thị xã quản lý được đầu tư tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử.

Minh Đức

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *