Văn hóa cơ sở

Huyện Đan Phượng đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố

Nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, huyện Đan Phượng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố. Qua đó cũng nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Đan Phượng là huyện ven đô nằm phía Tây, cách trung tâm Thủ đô gần 20km, gồm 15 xã, 01 thị trấn với 130 thôn, tổ dân phố được lập. Nhằm xây dựng nếp sống văn hoá, đưa quy ước để nhân dân thực hiện, năm 2012, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, phố, làng xây dựng quy ước, hương ước. Toàn huyện đã có 76/76 thôn, làng, tổ dân phố đã xây dựng quy ước, được UBND huyện phê duyệt, trong đó có 130 thôn, tổ dân phố, cụm dân cư thực hiện (một số xã có từ 2-3 thôn hay cụm dân cư thực hiện chung một quy ước vì trước đây là một làng có chung phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo).

Đan Phượng tổ chức Hội nghị Tọa đàm về “Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện”.

Theo đó, 76/76 quy ước thôn, phố, làng đã ban với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ; cơ bản các Quy ước đều quy định các quy tắc ứng xử một số lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, đồng thời ghi nhận các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, đạo đức xã hội và tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan phù hợp với yêu thực tiễn của địa phương; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. 76/76 quy ước xây dựng đều không có nội dung vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới; không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.
Trong những năm qua việc thực hiện quy ước trên địa bàn huyện đã trở thành nền nếp; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư tiếp tục được duy trì và phát triển. Hầu hết các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân cư đã bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đạo đức xã hội, xây dựng được các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Quy ước đều được các địa phương huy phát đến từng hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố và được lưu giữ tại nhà văn hoá thôn, phố, cụm dân cư. Đại bộ phận nhân dân tôn trọng, tuân thủ và thực nội hiện hương ước, quy ước đã được công nhận, nhất là thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Một số xã đã rà soát, sửa đổi quy ước cho phù hợp, như xã Phương Đình (2018), Thượng Mỗ (2019)…
Nhằm đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước; rà soát, phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy ước cho phù hợp với thực tiễn, huyện Đan Phượng đã tổ chức Hội nghị tọa đàm về “Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện qui ước, hương ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện”.
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mạnh – Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ Phùng Hưng cho biết, Tổ Phùng Hưng đã xây dựng quy ước phố Phùng Hưng và được UBND huyện Đan Phượng phê duyệt ngày 13/7/2012. Sau khi được phê duyệt, tổ đã in quy ước gửi đến từng hộ gia đình để thực hiện. Việc thực hiện quy ước đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn. Việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng gia đình văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hoá phù hợp với đặc điểm tình hình cộng đồng dân cư… Sau 9 năm thực hiện, hầu hết các chương, điều vẫn còn phù hợp, song cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với giai đoạn hiện nay như cần bổ sung thêm việc xây dựng, thực hiện tang văn minh, tiến bộ; việc giữ gìn thôn, tổ dân phố “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”…
Ông Bùi Văn Trường – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng cũng khẳng định, việc đẩy mạnh xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thực sự rất cần thiết. Nó là những phạm trù cụ thể dưới Luật, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của địa phương. Đồng thời, nó cũng đề cao trách nhiệm, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của công đồng dân cư thôn làng, tổ dân phố; bảo vệ, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng nên các giá trị văn hoá mới tiền bộ. Quy ước của thôn Tháp Thượng đã được xây dựng, sửa đổi và tái bản 3 lần vào các năm 2006, 2009, 2012. Các lần sửa đổi, tái bản đều phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới. Cụ thể, hương ước, quy ước đã đề cập đến việc xâ dựng gia đình văn hoá, động viên sản xuất, công tác, học tập tiến bộ; xây dựng các nét đẹp truyền thống về việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, an ninh trật tự thôn xóm…
Tuy nhiên, cũng theo ông Trường, để đáp ứng kịp thời trong tiến trình phát triển về mọi mặt của xã hội, hương ước, quy ước cũng cần bổ sung một số nội dung như xây dựng làng văn hoá, thực hiện quy tắc ứng xử.
Hội nghị còn nghe các đại biểu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, nêu rõ những khó khăn vướng mắc và đề xuất trong việc xây dựng và thực hiện qui ước, hương ước tại thôn, tổ dân phố. Dựa trên cơ sở pháp lý, có ý kiến đề nghị các cấp, các ngành có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung phê duyệt qui ước, hương ước thôn, phố phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện với phương châm lấy giáo dục, thuyết phục là cơ bản, lấy dư luận xã hội để hạn chế các trường hợp vi phạm quy ước, hương ước; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong cộng đồng, dòng tộc, chức sắc tôn giáo…
Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng, trong thời gian tới, huyện Đan Phượng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy ước, hương ước trên hệ thống đài truyền thanh thôn, tổ dân phố. Quan tâm việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác tham gia bảo vệ, xây dựng cảnh quan môi trường sống tại cộng đồng. Tăng cường vai trò, giám sát, đôn đốc, triển khai, hướng dẫn của người đứng đầu, người có uy tín, đồng thời phải gương mẫu đi đầu. Các cấp, các ngành tiếp tục lắng nghe, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành thực hiện hiệu lực, hiệu quả qui ước, hương ước. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, tham quan, trao đổi học tập cho đội ngũ làm công tác dân vận. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư trên địa bàn thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; tiếp tục bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phương Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *