Sự kiện

Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 26/11/2023 với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…

Tối 17/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã khai mạc. Đây là hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam; do Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan, sự tham gia đồng hành của các đơn vị tài trợ, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tổ chức văn hóa giáo dục và ngoại giao, các trường đại học, viện đào tạo, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thủ công, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và phát triển cộng đồng.

Các đại biểu Trung ương và Thành phố Hà Nội tham dự Lễ khai mạc

Tới dự lễ khai mạc có các đại biểu: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; đại diện Liên hợp quốc có Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi. Tham dự lễ khai mạc còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Các đại biểu quốc tế dự Lễ khai mạc

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Năm 2023, Lễ hội với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội của Thủ đô, tuyến trải nghiệm của Lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hoá lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức. Đây là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định:”Từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, thành phố đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thành phố đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Đồng thời, thành phố Hà Nội duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng đến kết nối, mở rộng hợp tác giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong các lĩnh thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hoá, đồng thời thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo, Thành phố đã tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thường niên hàng năm với các chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo” (năm 2021), “Sáng tạo và công nghệ” (năm 2022) và chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm tái thiết đô thị, phát huy, sáng tạo di sản văn hóa.

Tiếp nối thành công của sự kiện, năm 2023 UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và sự tham gia, phối hợp của các cấp các ngành, Tạp chí Kiến trúc và các cơ quan, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thủ công, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Lễ Hội không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 còn là nơi để hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế thăng hoa trong cảm xúc, thể hiện những ý tưởng sáng tạo thông qua tư duy và hành động đổi mới đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị”.

Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi phát biểu tại Lễ khai mạc

Tại lễ khai mạc, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định: Lễ hội là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển.Theo bà Ramla Khalidi, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội – một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công – tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến Hà Nội thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 26/11/2023 với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…

Lễ hội được tổ chức tại tuyến địa điểm chính là: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm và các hoạt động, sự kiện văn hóa, nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội thiết lễ sáng tạo của các quận, huyện, thị xã nhằm kết nối sự sáng tạo đồng thời làm nổi bật các giá trị lịch sử văn hóa tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô.

Nội dung các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, trong đó các pavilion và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo – Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Các pavilion và triển lãm nổi bật gồm có:

1.“Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thiết kế, gồm 05 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần kiến tạo giá trị văn hóa mới mẻ.

  1. Pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch – Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của nhà máy. “Bến Chờ” có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà Ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…
  2. Pavilion kiến trúc & nghệ thuật tại Phân xưởng Nóng do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang – TOOB studio thực hiện sẽ trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tính tương đối” của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, nhóm tác giả mong muốn đem lại cảm giác vô tận khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau.
  3. Tại khu vực Tháp nước Hàng Đậu, trưng bày “Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước rất độc đáo, tái hiện lại âm thanh của nước trong tự nhiên.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là nơi các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo giới thiệu nhiều tác phẩm mới độc đáo và ấn tượng, như: Triển lãm “Thủy phủ” của nghệ sỹ Trịnh Minh Tiến; Triển lãm sắp đặt hội họa “Tiếng gọi” của họa sỹ Thu Trần và nhà thiết kế Nguyễn Hồng Hạnh; Triển lãm nghệ thuật đương đại “MAP 2023 – Chuyển động Ngoại biên" – Heritage Space và nhiều trưng bày sắp đặt sáng tạo trong các lĩnh vực khác…Các hoạt động vui chơi, văn hóa ẩm thực trải nghiệm thực tế ảo và các trò chơi, là sân chơi kích thích tạo trẻ em, hoạt động giới thiệu ẩm thực phong phú và đa dạng với món ăn truyền thống và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức tuyến tàu hỏa từ nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để thưởng thức Lễ hội. Tổng Công ty Đường sắt sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật “đặc biệt” với sự tham gia của các nghệ sỹ trên các toa tàu, sẽ tạo nên ấn tượng cho những người trải nghiệm.

Các đại biểu bấm nút khởi động tuyến tàu di sản

Tại lễ khai mạc, quý vị đại biểu và du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng với 2 chương “Qua miền ký ức” và “Ước vọng”. Trong không gian của di sản công nghiệp mang tính ký ức, chương trình sẽ khơi gợi lại những cảm thức lịch sử và những ánh xạ từ quá khứ của tiền nhân, qua đó hòa quyện với cảm hứng tương lai từ sự hội nhập văn hóa. Chương trình chứng kiến những màn biểu diễn thăng hoa, giàu cá tính của các nghệ sĩ nhiều thế hệ, như Nghệ sĩ nhân dân Ánh Dương, Nghệ sĩ ưu tú Trung Vân, Nghệ sĩ ưu tú Quang Cường, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quyên, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khánh, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, nghệ sĩ violin Thiện Minh, nhóm Oplus, ca sĩ Bảo Trâm, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, dàn hợp xướng AST, dàn dân tộc Sức sống mới, Câu lạc bộ nghệ thuật Ngọc Trai Việt…Chương trình như một lời kêu gọi, một niềm cảm hứng gợi lên những ước vọng của cộng đồng, của những nhà sáng tạo: Bước tới tương lai với điểm tựa từ di sản bản địa.

Đánh dấu năm thứ 3 tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra ở quy mô lớn, là nơi các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ thiết kế, nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng…đến những đội ngũ thiết kế trong vận hành, tổ chức, các bạn sinh viên, tình nguyện viên, đội ngũ vệ sinh môi trường, các công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm, đường sắt…tất cả đang cùng nhau đồng hành để tạo nên sân chơi sáng tạo, phát huy ý tưởng, kết nối các nhà sáng tạo đem lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đa dạng, chất lượng, màu sắc, thể hiện nguồn nội lực dồi dào bất tận của Hà Nội; Khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau như: Kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế …; hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống của Hà Nội..

Một số hình ảnh biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc:

Đức Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *