Di sản – Bảo tồn

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong công tác giáo dục di sản

Ngày 17/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội di sản văn hoá Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Giáo dục di sản kéo co” nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Nghi lễ và trò chơi Kéo co nói riêng. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc “Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2023”.

Đến dự tọa đàm có bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; TS Lê Thị Minh Lý – Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Ông Trương Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội; Ông Ko Dae-young đại diện Bảo tàng kéo co Gijisi, thành phố Dangjin; Ông Kim Ki-kwon đại diện thành phố Dangjin cùng sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Hội Kéo co Gijisi (TP Dangjin, Hàn Quốc), các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại sự kiện, Bảo tàng Kéo co Gijisi sẽ trao tặng Hộp giáo dục Kéo co của Bảo tàng Kéo co Gijisi cho Bảo tàng Hà Nội đồng thời trình diễn và giới thiệu những nét đặc sắc của di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi tại Hàn Quốc. Không chỉ vậy, sự kiện còn mang đến những hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho công chúng, học sinh, sinh viên.

Lễ trao tặng Hộp giáo dục Kéo co của Bảo tàng Kéo co Gijisi cho Bảo tàng Hà Nội

Tổ chức trải nghiệm trò chơi kéo co cho học sinh, sinh viên Việt Nam trải nghiệm, ông Jeong Seok Yong, Thư ký Hội kéo co Gijisi chia sẻ: Sợi dây kéo co trình diễn hôm nay dài 200 mét, mỗi bên 100 mét. Theo văn hoá Hàn Quốc, mỗi bên dây biểu trưng cho làng trên (khu vực có nước) và làng dưới (khu vực không có nước). Dây thi đấu được làm bằng rơm, thực tế trong các lễ hội ở TP Dangjin, dây thi đấu nặng đến 40 tấn, với sự tham gia của hàng chục nghìn người”.

Học sinh, sinh viên trải nghiệm Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc.

Tại buổi toạ đàm, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Bảo tàng Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục di sản văn hoá.

Trao đổi về công tác giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, ThS Lê Thị Liên – Phòng Giáo dục, công chúng – Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành một trong những “trường học lịch sử”, gắn bó với những người yêu lịch sử, đặc biệt là thế hệ trẻ học đường. Bảo tàng đã có sự đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hoá các hoạt động trải nghiệm trong các hoạt động giáo dục di sản. Trong đó, ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, kéo co là trò chơi dân gian được ứng dụng nhiều nhất trong các chương trình giáo dục di sản (theo thống kê số lượng chương trình giáo dục có sử dụng các trò chơi dân gian thì trò chơi kéo co chiếm đến 85-90%). Đặc biệt, đối với các chương trình tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của sự kiện, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thường sử dụng hình ảnh trò chơi kéo co để phân tích, chứng minh về sức mạnh của sự đoàn kết trong các cuộc kháng chiến và tinh thần đồng đội, hiệp sức, đồng lòng để làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc.

Quang cảnh Toạ đàm “Giáo dục di sản kéo co”.

Theo ThS Đường Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông (Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám) khẳng định, di sản văn hoá nói chung và di sản văn hoá phi vật thể nói riêng làm nên chất liệu cho giáo dục phổ thông toàn diện thông qua hoạt động giáo dục trải nghiệm. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã bắt tay vào xây dựng các chủ đề giáo dục di sản và cho đến nay di tích có hơn 30 chủ đề giáo dục di sản cho đối tượng học sinh từ cấp mẫu giáo đến đại học. Trong số đó có nhiều chủ đề về di sản văn hóa phi vật thể như chủ đề “Lớp học xưa” dành cho học sinh tiểu học hay chủ đề “Vinh quy bái tổ”, chủ đề “Thi Hương, thi Hội, thi Đình” dành cho học sinh THPT đã thu hút được rất nhiều các trường đưa học sinh tới tham gia. Từ tháng 1/2023 đến tháng 11/2023, di tích đã đón và tổ chức cho gần 7.000 học sinh đến tham gia trải nghiệm giáo dục di sản.

Theo Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà: Điểm đặc biệt trong các chương trình giáo dục di sản của Văn Miếu-Quốc Tử Giám là luôn tạo cơ hội cho học sinh được chủ động trong các bước trải nghiệm, học sinh được tiếp thu tri thức một cách chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động tương tác, tự trải nghiệm, khám phá. Thay vì phương pháp thuyết minh truyền thống, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động thì các em học sinh được phát lá phiếu điều tra cùng các câu hỏi đơn giản, không quá khó, gợi tính tò mò, gợi niềm ham khám phá, tạo gay cấn một chút, hồi hộp một chút để hấp dẫn các em. Các chương trình giáo dục di sản tại di tích luôn chú trọng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, Trưởng phòng Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hoà chia sẻ: Với sự thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng “lấy hiện vật làm trung tâm” sang “lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm”, vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác. Nó được coi là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của mỗi bảo tàng nói chung và của Bảo tàng Hà Nội nói riêng. Trong những năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã có nhiều định hướng, phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục nói chung và các chương trình giáo dục liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng để phù hợp với từng đối tượng khách tham quan

Trong kho bảo quản với hơn 70.000 các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Hà Nội đã không ngừng phát huy giá trị trong công tác trưng bày. Là điều kiện thuận lợi để xây dựng các chuyên đề trưng bày khác nhau trong đó có nhiều chuyên đề trưng bày liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Bộ phận sưu tầm của bảo tàng vẫn luôn nỗ lực không ngừng để có thể sưu tầm thêm được nhiều tài liệu, hiện vật hơn nữa đáp ứng nhu cầu ngày một cao trong công tác trưng bày, giáo dục công chúng.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, khi tích hợp nội dung di sản với chương trình học trên lớp sẽ giúp bài học trở nên sinh động hơn nhờ các hoạt động trải nghiệm với nội dung di sản. Yêu cầu tích hợp các nội dung của di tích với các môn học gắn với yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng của mỗi khối lớp sẽ giúp cho các chủ đề giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, lượng kiến thức quá khó hay quá dễ đều khiến cho chủ đề giáo dục di sản tại di tích giảm tính hấp dẫn, không thu hút được các em.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *