Lễ hội

Kiểm tra công tác quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội Bình Đà

Ngày 10/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống Bình Đà, huyện Thanh Oai.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng

Năm 2024, Lễ hội Bình Đà sẽ được tổ chức với quy mô cấp huyện, diễn ra trong 03 ngày từ 12/4 đến hết ngày 14/4/2024 (tức từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Ba âm lịch). Lễ hội Bình Đà được tổ chức tại di tích Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) và một số địa điểm liên quan.

Theo kế hoạch, Lễ khai mạc lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra vào 19h00 ngày 12/4 (tức ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch), kết hợp công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hoà – Mỹ Đức.

Phát biểu trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tại lễ khai hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 2024, Phó Bí thư thường trực huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình nhấn mạnh, lễ hội truyền thống Bình Đà được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của di tích; giá trị truyền thống đặc sắc của lễ hội phi vật thể cấp quốc gia; quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện, đồng thời tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài huyện về tình yêu quê hương đất nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, sự ngưỡng mộ, lòng thành kính đối với Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ. Chính vì vậy, ông Nguyễn Khánh Bình yêu cầu công tác tổ chức lễ hội phải kỹ lưỡng, chu đáo, các nội dung thiết thực, đúng với quy chế và kịch bản lễ hội đã được phê duyệt. Nghi lễ trang trọng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và lành mạnh. Các thành viên, các bộ phận được giao nhiệm vụ cần chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả đối với yêu cầu nhiệm vụ của mình.

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tại lễ khai hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 2024

Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền từ xa xưa, là một trong những lễ hội lớn của vùng. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, người là “Tổ dân bách Việt” đã có công dựng nước, khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi, dựng xây cơ nghiệp. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với giá trị độc đáo của di tích Đình Nội, ngày 01/04/2014, Lễ hội Bình Đà đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, bức Phù điêu (Bức giá tượng) được lưu giữ trong Đình Nội được chạm nổi hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với các lạc tướng, lạc hầu, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền được tổ chức hàng năm, diễn ra trong nhiều ngày với rất nhiều hoạt động. Các nội dung của lễ hội từ nghi lễ, đến các phẩm vật cúng tế đều thể hiện lòng tôn kính hướng về Quốc Tổ và phản ánh nội dung của truyền thuyết liên quan đến sự tích của Ngài và 100 người con (100 oản, 100 quả chuối, 100 ghế chéo, thả bánh vía…). Đã thành lệ, vào dịp lễ hội, đều có đoàn đại biểu Ban Quản lý di tích Đền Hùng (Phú Thọ) về dâng hương Quốc Tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của Đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch cùng con cháu.

Lễ hội Bình Đà được tổ chức với quy mô cấp huyện

Năm 2024, Lễ hội Bình Đà sẽ được tổ chức với quy mô cấp huyện với các nghỉ lễ, hoạt động tế lễ theo nghi thức truyền thống địa phương như các nghi thức tế lễ, rước kiệu; các dòng họ, thôn tổ chức dâng lễ tại Đình Nội và Đình Ngoại; Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; Lễ tế Thiên quan; Lễ rước, thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc,… Phần hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi truyền thống, thi đấu thể thao hấp dẫn. Đáng chú ý là chương trình Khai mạc Lễ hội Bình Đà năm 2024 với màn nghệ thuật khai hội đặc sắc, ấn tượng mang chủ đề “Thanh Oai – miền văn hiến, đất địa linh – kết tinh bản sắc” tái hiện truyền tích về sự ra đời của vương quốc Văn Lang; ghi khắc công đức của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã tìm đến đất Bảo Cựu xưa (tức Bình Đà, Thanh Oai ngày nay) để khởi dựng cơ nghiệp, lập ấp, lập làng, tạo dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp cho muôn dân xứ Bảo Cựu; khắc hoạ bản sắc văn hoá, đất và người Thanh Oai, những thành tựu tự hào của miền đất Kinh kỳ ngàn năm in dấu…

Ngoài ra, tại lễ hội Bình Đà năm 2024 cũng sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: Giải Bóng đá thanh niên huyện Thanh Oai; Triển lãm sinh vật cảnh Thanh Oai; Hội chợ trưng bày và giới thiệu, trình diễn sản phẩm làng nghề; Triển lãm ảnh Nét đẹp văn hóa Thanh Oai; Liên hoan biểu diễn trống hội; Liên hoan lân sư rồng huyện Thanh Oai mở rộng; trình diễn Thư pháp, đốt pháo hoa, hát quan họ trên hồ Thủy đình và các trò chơi dân gian đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến một mùa lễ hội hấp dẫn, an toàn thu hút khách thập phương về chiêm bái và tham dự lễ hội.

Đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội Bình Đà

Ghi nhận tại buổi kiểm tra, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã và đang được hoàn thiện. Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng lưu ý, là một trong những lễ hội lớn của Thủ đô, lễ hội truyền thống Bình Đà với nhiều hoạt động, nghi lễ truyền thống, thu hút đông đảo người dân về chiêm bái. BTC cần lưu ý đến công tác tuyên truyền về giá trị lễ hội đến đông đảo người dân; nghiêm túc thực hiện việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các di tích, địa điểm diễn ra lễ hội; tổ chức phân luồng giao thông từ xa; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong các hoạt động của lễ hội…

Thuý Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *