Chưa được phân loại

Lưu giữ nét đẹp giấy Dó truyền thống

Zó Project ra đời với mục tiêu gìn giữ một nét đẹp văn hóa Việt – giấy Dó. Những thành viên của Zó Project mang giấy Dó trở lại, kết hợp chất liệu truyền thống với những thiết kế đương đại nhằm bảo tồn, phát triển và khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

Giấy Dó xuất hiện tại Việt Nam vào thế kỷ thứ 13, đi cùng những thăng trầm lịch sử mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Thông qua nghiên cứu sử sách, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nơi đầu tiên làm giấy Dó là làng Nghĩa Đô ở Cầu Giấy, sau phát triển đến làng Bưởi (Yên Thái), là nơi có nghề làm giấy sắc phong nổi tiếng. “Nhịp chày Yên Thái” trong câu ca dao nổi tiếng về đất kinh kỳ miêu tả thanh âm tiếng nện chày giã vỏ cây dó làm giấy khi xưa. Đến thế kỷ 20, khoảng những năm 1980, nghề làm giấy Dó thủ công đã không còn.

Giấy Dó được dùng vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, lưu giữ tài liệu nhờ vào ưu điểm nổi bật nhất là độ bền theo thời gian. Với đặc tính xốp nhẹ, bền dai và ít bị mối mọt, Dó là một trong số ít những loại giấy có tuổi thọ lâu đời nhất.

 

Mộc mạc giấy Dó truyền thống.

Zó Project ra đời tháng 6 năm 2013, do chị Trần Thị Hồng Nhung – một người trẻ đam mê nghệ thuật thư pháp sáng lập. Chị Nhung cho rằng, nghệ thuật thư pháp mang hồn Việt phải là những nét chữ in dấu trên chính giấy do người Việt tạo nên. Và đó chính là giấy Dó. Từ suy nghĩ ấy, chị đã cùng các thành viên Zó Project hồi sinh loại giấy truyền thống của dân tộc. Trước tiên, nhóm tập trung vào việc bảo tồn và phát triển nguyên liệu cây dó ở một số tỉnh trung du và vùng núi phía Bắc. Tiếp đến, nghiên cứu cải thiện quy trình làm giấy nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ và tôn trọng cách làm giấy truyền thống. Giấy Dó được làm thủ công hoàn toàn bằng tay. Thay vì xay vụn cây ra thành bột bằng máy móc như các loại giấy công nghiệp thì giấy Dó là thành phẩm của một quá trình dài đầy vất vả. Thân cây Dó cắt về, đem hấp, tách vỏ, gọt dũa rồi đập vỏ để tách sợi, cho vào khung ép rồi phơi nắng. Mỗi một công đoạn đều đòi hỏi thời gian thực hiện khá dài ngày. Do vậy, để hoàn thiện một tờ giấy Dó, phải mất cả tháng trời. Bên cạnh đó, nhóm cũng thử nghiệm phát triển các loại giấy khác từ kỹ thuật làm giấy Dó cổ truyền. Zó Project kết hợp với các nghệ sĩ, họa sĩ để thiết kế các sản phẩm mang hơi hướng đương đại trên nền giấy truyền thống. Bên cạnh đó, nhóm cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đưa giấy Dó trở nên phổ biến và gần gũi hơn trong cuộc sống.

Zó Project mang lại cái nhìn mới mẻ hơn đối với giấy Dó bằng cách đưa vào những sản phẩm hiện đại, mang đến ứng dụng cao thay vì chỉ dùng để vẽ tranh hay viết thư pháp trưng bày như trước đây. Các sản phẩm của Zó Project rất đa dạng và hữu dụng như: giấy vẽ, sổ tay, bưu ảnh, bưu thiếp, lịch bàn, phụ kiện trang sức… mang đậm vẻ đẹp văn hóa truyền thống với hình ảnh tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, tre trúc… cho tới những chủ đề đương đại như phố cổ Hà Nội, áo dài, bìa những cuốn album âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới… Zó Project có những sản phẩm độc đáo, được bày bán rộng rãi tại những trung tâm du lịch lớn như trong phố cổ Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… và chinh phục các thị trường lớn như Úc, Pháp, Ý…

Những sản phẩm độc đáo làm từ nguyên liệu giấy Dó.

Các hoạt động trải nghiệm của Zó Project được tổ chức thường xuyên, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những ai yêu thích và muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa. Nhóm tổ chức các lớp học thủ công, các sự kiện sáng tạo từ giấy Dó và từ giấy Việt Nam. Đã có nhiều chương trình trải nghiệm với giấy Dó tại Hà Nội hay về làng nghề truyền thống cùng các nghệ nhân được tổ chức để quảng bá văn hóa truyền thống tới du khách quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình trải nghiệm tại làng giấy Suối Cỏ, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hoạt động trải nghiệm làm sản phẩm thủ công từ giấy Dó thu hút nhiều người nước ngoài.

Zó Project không chỉ tìm lại một ngành nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống mà còn hướng đến hoạt động nhân văn, mang tính cộng đồng như tạo công việc làm giấy thủ công cho những người phụ nữ dân tộc để họ có thêm thu nhập. Zó Project cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các trung tâm dạy nghề khuyết tật và trẻ em mồ côi, tạo việc làm, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn trong xã hội.

Tháng 8 năm 2016, câu chuyện về cô gái trẻ Trần Thị Hồng Nhung và ước mơ bảo tồn giấy Dó truyền thống Việt Nam đã xuất hiện trên trang báo điện tử BBC Anh Quốc. Cùng với Zó Project, chị Nhung đã và đang mang lại sức sống mới, thổi hồn giấy Dó vào những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo hiện đại, góp phần gìn giữ, phát triển và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt.

Ngân Hà. Ảnh: Zó Project.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *