Di sản

Múa rối nước Đào Thục – Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Rối nước Đào Thục không chỉ lưu giữ được những tích trò cổ, có từ hàng trăm năm qua mà còn sáng tác thêm các tích trò mới như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Cổ Loa thành…

Có tuổi đời hơn 300 năm, múa rối nước dân gian làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đã vang danh trong nước và quốc tế. Phường rối nước Đào Thục đã đem rối đi khắp mọi miền đất nước, sang Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản… biểu diễn cho mọi người được tận mắt xem cái hay, cái độc đáo của mình. Ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-BVHTTDL ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Rối nước Đào Thục có thủy đình và cách bài trí riêng, với mặt trời ở giữa và 2 con rồng phun lửa hai bên. Con rối Đào Thục độc đáo ở chỗ có thể tiến, lùi, quay trái, quay phải, đi chéo tùy theo người điều khiển. Phường rối nước Đào Thục hiện có hơn 50 thành viên, gồm nhiều thế hệ, được chia làm 2 tổ: Tổ cạn và tổ nước. Tổ cạn là tổ của những nhạc công và ca sĩ, tổ nước là những nghệ nhân điều khiển con rối. Khi biểu diễn, nghệ nhân có thể điều khiển rối bằng que, bằng dây, bằng sào, bằng bè.

Đặc biệt, những con rối ở Đào Thục do chính tay người Đào Thục làm ra, chỉ cao khoảng 30 – 40 cm, bằng gỗ sung, ngoài phủ sơn ta. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ và màu sơn rực rỡ trông những con rối vô cùng sống động, bắt mắt. Những tích trò bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích của người Việt, cuốn hút trẻ nhỏ và người lớn như: Trâu chui ống, Phùng Hưng đánh hổ, Thạch Sanh đánh trăn tinh, cáo bắt vịt. Đó còn là hình ảnh công chúa, tráng sĩ, cô Tấm, cô Cám, cô Tiên, vịt, gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… Cả những sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt đời thường, như: Dệt cửi trao con, múa rồng, múa phượng, câu ếch, cày cấy…và không thể thiếu được màn Ba Khí giáo trò. Giáo trò của phường rối Đào Thục độc đáo và khác các phường rối khác trong cả nước là do nhân vật Ba Khí làm giáo trò. Với người Đào Thục, Ba Khí chính là hình ảnh đại diện của người nông dân vui tính.

Để các tiết mục, tích trò rối biểu diễn thành công đòi hỏi sự chung sức của cả phường rối, từ trưởng phường đến các diễn viên điều khiển con rối, nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống, thanh la, tù và… cùng các ca sĩ – những người thể hiện các làn điệu dân ca như: Chèo, tuồng, dân ca, hát văn, hát xẩm…. Khi diễn, từng động tác của diễn viên điều khiển con rối ăn khớp một cách thuần thục với lời thoại, lời hát và tiếng trống, tiếng đàn, rộn ràng để tích trò thêm sống động, cuốn hút người xem.

Rối nước Đào Thục không chỉ lưu giữ được những tích trò cổ, có từ hàng trăm năm qua mà còn sáng tác thêm các tích trò mới như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Cổ Loa thành.

Lấy mặt nước làm sân khấu, trong tiếng đàn, tiếng hát rộn vang, người xem khi thì gặp các nhân vật trong cổ tích, lúc lại gặp những hình ảnh lao động gần gũi với người nông dân, rồi được gặp hình ảnh Bác Hồ, chú bộ đội, cô dân quân…thật thú vị và chỉ có ở phường rối nước Đào Thục.

Các tích trò và kỹ thuật làm con rối truyền thống đã được các nghệ nhân Đào Thục truyền cho nhau từ đời này đến đời khác. Cho đến ngày nay, rối nước Đào Thục đã có hơn 30 tích trò là hơn 30 câu chuyện phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đào Thục nói riêng, của người Việt nói chung. Đáng quý hơn, nhiều gia đình, dòng họ nơi đây coi múa rối nước như một báu vật, cha truyền con nối, có gia đình đã nhiều đời tham gia múa rối nước của làng, tiêu biểu như gia đình nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú: Đinh Thế Văn, Đinh Hữu Tự, Đinh Thanh Tiên, Nguyễn Thế Nghị, Nguyễn Thị Thỏa, Nguyễn Văn Mạnh v.v.

 

Làm rối và múa rối nước do chính tay những người Đào Thục làm

Đến Đào Thục, tìm hiểu về cội nguồn, được biết trên tấm Văn bia còn lưu lại ở đình có ghi tiểu sử về ông tổ truyền nghề múa rối nước làng Đào Thục là Nguyễn Đăng Vinh (tên thật là Đào Đăng Khiêm). Ông đã làm đến chức Nội Giám, thời vua Lê Ý Tông. Rời quan trường, ông về quê, đem rối nước trực tiếp truyền dạy cho dân và xây dựng được phường rối từ hơn 300 trăm năm trước. Ông còn lập ra những phường nghề, tạo việc làm cho mọi người.

Vì có công lớn với dân nên sau khi ông mất, dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần và lập bia đá, tôn ông là Tổ nghề. Ngôi đình ngày nay do Nhân dân Đào Thục xây dựng trên nền đất ruộng mà quan Nội Giám Đào Đăng Khiêm đã hiến cho làng năm xưa.

Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (24 tháng Hai âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề. Ngày sinh, ngày hóa của ông, tại đình đều có múa rối nước tưởng nhớ ông.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *