Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nâng cao nhận thức của người cán bộ Thủ đô trong thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng

Ngày 29/11, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Ban Thi đua khen thưởng Thành phố phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm Cách làm và kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phòng trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Thành phố Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng; Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đinh Văn Khóa.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là 1 trong nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng bộ TP. Hà Nội nhiều nhiệm kỳ, xác định đây là một trong 3 nội hàm quan trọng trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành 02 Quy tắc ứng xử (QTƯX) (QTƯX nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội)… Tiếp đó, năm 2019 với mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử, chuẩn mực giải quyết công việc với người dân và tổ chức, gương mẫu trong gia đình và tổ chức góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội, Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT ngày 19/6/2019 về tổ chức thực hiện Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện 2 QTƯX và 4 năm thực hiện Phong trào đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện; định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyêt công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội. Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông qua việc triển khai QTƯX, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, nhiều gương cá nhân/tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện QTƯX, được UBND Thành phố và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.
Hội nghị tọa đàm Kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” được tổ chức với mong muốn sẽ phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai phòng trào, cũng như thực hiện 2 QTƯX của Thành phố được rút ra từ thực tế thực hiện tại địa phương, đơn vị.

Nhấn mạnh vai trò của công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Đặng Quang Sơn cho biết, hai bộ Quy tắc ứng xử và Đề án văn hóa công vụ đã được huyện quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện gắn với thực hiện Chương trình số 04-Ctr/HU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Việc triển khai thực hiện có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị huyện, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND các cấp. Huyện đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo, tổ chức các buổi tọa đàm về thực hiện QTƯX trong đó nhấn mạnh sự nêu gương của CBCCVCNLĐ. Công tác khen thưởng được huyện quan tâm không chỉ khen thưởng thường xuyên tại các Hội nghị, sơ kết, tổng kết… mà có khen thưởng đột xuất nhằm động viên CBCCVCNLĐ tiếp tục thực hiện tốt cũng như lan tỏa đến toàn CBCCVCNLĐ trong huyện.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Đặng Quang Sơn

“Vừa qua, huyện Đông Anh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện QTƯX và Đề án văn hóa công vụ trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2019-2023. UBND huyện cũng khen thưởng 35 tập thể, 34 cá nhân có thành tích sau 05 năm triển khai thực hiện QTƯX và Đề án văn hóa công vụ trên địa bàn” – ông Đặng Quang Sơn cho biết thêm.

Đối với việc thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng cũng như triển khai thực hiện 2 QTƯX trên địa bàn huyện Hoài Đức, bà Ngô Thị Xinh – Phó phòng Nội vụ huyện Hoài Đức cho biết, Huyện đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch, trong đó nhấn mạnh việc triển áp dụng các mô hình, sáng kiến tại các đơn vị sơ sở; triển khai các cuộc thi tuyên truyền, thi tìm kiếm các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, đặc biệt là các mô hình tại bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân như bộ phận 1 cửa để người dân, doanh nghiệp đến làm việc thấy được sự chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, trong thái độ của cán bộ khi tiếp xúc. Hàng năm, huyện tổ chức 2 đoàn kiểm tra, ngoài kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra công vụ thì đối với công tác kiểm tra văn hóa công sở huyện cũng có kế hoạch riêng. Kết quả đánh giá qua việc tổ chức kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh đội ngũ CBCCVCNLĐ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người cán bộ đối với nhiệm vụ được giao.

Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức Ngô Thị Xinh

Hình thức tuyên truyền cần phù hợp với từng đối tượng
Nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội, đoàn thể, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho biết, việc triển khai phong trào văn hóa công sở từ cấp Thành phố cho đến cấp cơ sở đã có những cách làm cụ thể. Ngay sau khi 2 bộ QTƯX được ban hành, Hội LHPN Thành phố đã có những kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 2 QTƯX và bám sát Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, các hoạt động, các nội dung triển khai bám sát vào các phong trào thi đua. Hội đã và đang thực hiện tổ chức phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô “trung hậu – sáng tạo – đảm đang – thanh lịch”, trong đó nội dung của 2 QTƯX cũng được lồng ghép vào trong tiêu chí của phong trào. Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” với các tiêu chí cụ thể trong gia đình, tại nơi làm việc, nơi công cộng, trên mạng xã hội… Trong công tác thực hiện văn hóa công sở, Hội cũng tập trung vào một số các giải pháp như đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc thi như cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền Phụ nữ với văn hóa giao thông” (2021) thông qua các clip dự thi; Cuộc thi “Nét đẹp Phụ nữ Thủ đô”. Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm xây dựng các mô hình điểm tác động đến ý thức, hành vi ứng xử văn hóa của nữ CBCCVCNLĐ, cũng như là đối với cán bộ hội viên. Hội đã triển xuống các cấp cơ sở 3 mô hình nổi bật đó là mô hình “Tổ dân phố/thôn/xóm văn hóa kiểu mẫu”; mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”; mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Đây là những mô hình triển khai thực hiện một cách rõ nét 2 QTƯX của Thành phố. Hiện nay, trên địa bàn toàn Thành phố đã triển khai được 47 mô hình “Tổ dân phố/thôn/xóm văn hóa kiểu mẫu”; 20 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”; 30 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Đây chính là kết quả cụ thể cho thấy hiệu quả của việc triển khai thực hiện 2 QTƯX của các cấp Hội phụ nữ ở cơ sở.

Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Hoàng Thu Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Với quan điểm tuyên truyền phải nhắm đúng, trúng vào từng đối tượng cụ thể, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân khẳng định, việc triển khai 2 QTƯX được đánh giá là có hiệu quả thì trước hết phải nằm ở nhận thức. Khi Thành phố ban hành 2 bộ QTƯX, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn phụ trách từng đối tượng tham mưu việc triển khai thực hiện. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với đặc thù là cơ quan giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước trong nhiều các lĩnh vực về công tác an sinh – xã hội trên địa bàn. Sở có 37 đầu mối đơn vị trực thuộc là các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm nuôi điều dưỡng người có công với cách mạng, trung tâm bảo trợ xã hội, các trường trung cấp nghề… Hiện nay, toàn Thành phố có trên 86.000 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội… Chính vì vậy, nếu cán bộ không có nhận thức sâu sắc về thái độ phục vụ, hành vi ứng xử thì rất dễ gây tổn thương, cán bộ phải thấm nhuần những điều trong 2 bộ QTƯX.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân

Nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Hồng Dân cho rằng, với mỗi một sở, ngành khác nhau có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Do đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai với những nội dung, hình thức khác nhau. Với đa đối tượng phục vụ, Sở không chỉ tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ CBCCVCNLĐ trong Sở, mà còn triển khai tuyên truyền cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng mà Sở phục vụ. Như đối với Ban phục vụ lễ tang Hà Nội triển khai thực hiện tuyên truyền với người dân về tang văn minh, đưa vào ký cam kết trong hợp đồng phục vụ lễ tang thực hiện không rải vàng mã đi đường, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Hay tại Trung tâm dịch vụ việc làm, khi thực hiện chính sách thất nghiệp cho người lao động khi mất việc làm, mỗi ngày có thể có khoảng 1.000 người đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm đã bố trí lực lượng tuyên truyền để người lao động thực hiện văn minh nơi công cộng với văn hóa xếp hàng, không chen lấn xô đẩy. Đặc biệt, Sở đang quản lý 9 trường trung cấp nghề, quản lý trên 300 cơ sở giáo dục nghề, có khoảng trên 300.000 nghìn học sinh, sinh viên theo học. Sở đã tập trung triển khai tuyên truyền việc thực hiện 2 bộ QTƯX và phát động nhiều phong trào thông qua các cuộc thi, hội diễn lồng ghép nội dung 2 QTƯX… “Tùy từng khối đối tượng, từng công việc của CBCCVCNLĐ mà Sở tổ chức các hình thức tuyên truyền với phương pháp phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ về văn hóa công sở, về thực hiện 2 QTƯX. Kết quả cho thấy, khi người cán bộ đã thấm nhuần thì tinh thần, thái độ phục vụ mọi đối tượng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội được nâng lên. Điều đó thể hiện rõ nhất qua chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Sở xếp thứ nhất toàn Thành phố. Trong năm 2023 cũng như năm 2024 sắp tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ 2 bộ QT ƯX trong CBCCVCNLĐ của ngành cũng như là lồng ghếp tuyên truyền đến các đối tượng ngành phục vụ được tốt hơn” – ông Nguyễn Hồng Dân khẳng định.
Tại Hội nghị tọa đàm, nhiều tham góp của các đơn vị, địa phương đã đưa ra những giải pháp triển khai có hiệu quả Đề án văn hóa công vụ cũng như triển khai thực hiện 2 QTƯX của Thành phố. Hội nghị không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, mà còn là dịp để trao truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm mỗi cán bộ trong thực thi công vụ.

Thúy Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *