Văn hoá đời sống

Phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đô thị văn minh

Ngày 30/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Sở Văn hóa và Thể thao là các đồng chí: Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Cao Thái; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hà Nội Phạm Anh Tuấn.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.

Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Hương ước đã tồn tại khá lâu dài và có những bước phát triển thăng trầm trong đời sống xã hội của nước ta từ xưa đến nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, hiện nay, toàn Thành phố có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh hiệu quả từ việc phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thì việc triển khai xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh đã mang lại những lợi ích thiết thực về phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của Nhân dân toàn Thành phố trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh…
“Việc đánh giá tổng thể vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng đô thị văn minh trên địa phàn Thành phố cần xác định rõ những kết quả cũng như hạn chế, nhằm bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, tổng thể lâu dài, có tính khả thi để thực hiện hiệu quả. Các giải pháp đề xuất phải mang tính đặc thù, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi thôn, làng, tổ dân phố, phường, thị trấn” – bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Cao Thái đã hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai các văn bản.

Tại điểm cầu huyện Đông Anh, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, việc xây dựng và thực hiện hương ước đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy được dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay 195/195 thôn, tổ dân phố tại huyện Đông Anh đã tiến hành bổ sung, sửa đổi, phê duyệt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Điểm cầu huyện Đông Anh.

Tuy nhiên, cũng theo Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước đã phát sinh một số hạn chế, như: Một số địa phương đang hành chính hóa việc xây dựng hương ước, chưa có sự tham gia tích cực của người dân. Nội dung hương ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của thôn, cũng như chưa sát với đời sống của người dân, do đó hạn chế tính khả thi của hương ước. Nội dung hương ước dài dòng và lặp lại hầu hết các quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, hiện nay, hương ước, quy ước không có chế tài xử phạt, bởi vì theo quy định không được phép đưa chế tài xử phạt vào trong hương ước, quy ước làng xã nên chưa phát huy hết hiệu quả vai trò của hương ước, quy ước. Để phát huy hết vai trò của hương ước, quy ước, cần phát huy tối đa vai trò chủ thể của cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tăng cường đầu tư về nguồn lực, tạo điều kiện đảm bảo việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng, hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác phối hợp với cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường công tác giám sát việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đúng theo quy định của pháp luật.

Điểm cầu huyện Thạch Thất.

Tại huyện Thạch Thất, nội dung về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vào nội dung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hàng năm; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã, thị trấn, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận các thôn, tổ dan phố. Hướng dẫn ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ để bổ sung vào hương ước, quy ước; vận động loại bỏ, không áp dụng các nội dung trái pháp luật, trái phong tục, tập quán tốt đẹp, lạc hậu và không đảm bảo bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ trong các bản hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; Kiểm tra, đánh giá công tác quản lý hương ước, quy ước; đặc biệt là kết quả tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới hương ước, quy ước; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sơ kết, tổng kết, thống kê việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có 122/122 thôn, tổ dân phố có quy ước (đạt 100%). Huyện đã triển khai gắn việc thực hiện hương ước, quy ước với việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu thi đua khác.

Điểm cầu quận Tây Hồ

Đối với quận Tây Hồ, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Trần Văn Bách cho biết, hiện nay, trên toàn quận có 108 bộ quy ước tổ dân phố đã được triển khai đến người dân. Năm 2022, quận Tây Hồ đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng quy ước tổ dân phố”. Trong năm 2023, quận đã triển khai kiểm tra việc triển khai thực hiện quy ước tại 100% tổ dân phố. Qua kiểm tra cho thấy, việc triển khai thực hiện quy ước tại các tổ dân phố đã mang lại những hiệu quả rõ rệt như phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế, loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Tại Hội nghị, các ý kiến tham góp đã tập trung vào những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, xây dựng đô thị văn minh. Những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm bước đầu; các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng đô thị văn minh trong thời gian tới; phát huy vai trò tự quản tại cộng đồng dân cư, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; Quy tắc ứng xử, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là trao đổi, phổ biến những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và xây dựng đo thị văn minh ở cơ sở.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, xây dựng đô thị văn minh.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương cần nhận thức sâu sắc việc triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Thường xuyên rà soát, đánh giá lại nội dung quy ước, hương ước làm sáo thiết thực, bám sát thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị, tọa đàm…; tăng cường kiểm tra, giám sát…; đẩy mạnh các mô hình triển khai thực hiện quy ước, hương ước tại các thôn, làng, tổ dân phố…
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Cao Thái đã hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *