Di sản

Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng: Người giữ lửa cho phường rối Tế Tiêu

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về múa rối, với cha là “nghệ sĩ nông dân” Phạm Văn Bể, cùng nhiều thành viên trong gia đình đã gắn bó nhiều năm với nghề múa rối, Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng đã sớm nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật rối cạn, quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của cha ông.

Làm quen với tạo hình con rối từ khi mới lên chín, lên mười, rồi cùng các ông, các bác phường rối Tế Tiêu đi biểu diễn mừng ngày hội làng, biểu diễn cổ động phục vụ Nhân dân Nghệ nhân Phạm Công Bằng đã sớm thắp lên tình yêu với nghệ thuật múa rối.

Không chỉ thuộc làu các tích chuyện do cha kể lại, anh còn dàn dựng nhiều kịch bản, tạo hình nhiều quân rối và hướng dẫn bạn cùng trường biểu diễn nhiều trò và vở diễn hấp dẫn người xem. Rồi tình yêu với rối cứ theo anh lớn dần lên. Tiếp bước cha trên con đường duy trì nghề cổ, năm 2001, anh cùng cha là cụ Phạm Văn Bể đã xây dựng Thủy đình để biểu diễn phục vụ bà con trong làng cũng như phục vụ nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Nhà thủy đình được xây dựng nhờ nguồn tiền của Quỹ Ford Việt Nam, trên mảnh đất do chính quyền địa phương hỗ trợ. Đến năm 2016, cụ Bể qua đời ở tuổi 92, thực hiện nguyện vọng của cha, anh vẫn ngày đêm cặm cụi đẽo gọt những con rối gỗ và truyền dạy cho những em thiếu nhi, thanh niên trong làng có nhu cầu học nghề.

Theo anh Bằng, sáng tạo ra một quân rối độc đáo, mới mẻ là một bài toán khó đối với những người nghệ nhân làm rối. Phải sáng tạo làm sao để không bị thương mại hóa, mà vẫn giữ được hồn cốt dân tộc mới là điều cần thiết. Sáng tạo nhưng vẫn phải lồng ghép được những yếu tố văn hóa truyền thống mang tính bản sắc vào tác phẩm để người xem cảm nhận được rõ nét văn hóa Việt Nam trong những tạo hình con rối, trong những điệu hò, vè, ca dao thấm đẫm tâm hồn Việt. Làm rối đã khó nhưng để có thể tạo nên một buổi diễn hoàn hảo, thì điều khiển rối cũng là một trong những kỹ thuật quan trọng. Anh Phạm Công Bằng kể rằng, để điều khiển được kỹ thuật này, đòi hỏi người biểu diễn phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả, có tay nghề cao, đôi bàn tay dẻo dai, uyển chuyển, những người nghệ nhân phải thực sự tinh tế và hiểu ý nhau. Có như vậy, người điều khiển mới biểu diễn được nhiều động tác linh hoạt, sống động và đặc biệt có hồn, rất hấp dẫn người xem.

Để đưa rối đến gần hơn với đông đảo người dân, anh còn dàn dựng nhiều tích trò mới, mang hơi thở của cuộc sống. Gần đây nhất là vở diễn “Lỗi tại ai” kể câu chuyện về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Vở diễn mang thông điệp về tình cảm gắn bó của người dân trong khu phố. Mặc dù có người hàng xóm mắc lỗi xả rác bừa bãi, nhưng khi họ bị trượt chân ngã, gặp nguy hiểm, bà con vẫn giúp đỡ, đưa đi cấp cứu khiến ai đó cảm động và từng bước điều chỉnh hành vi của mình.

Hiện nay, anh Phạm Công Bằng là nghệ nhân ưu tú trẻ nhất Việt Nam và là trưởng phường rối Tế Tiêu. Từ lúc tham gia nắm giữ di sản cho đến nay mặc dù có nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua. Luôn luôn ý thức học hỏi, gìn giữ, phát triển và truyền dạy cho thế hệ sau để môn nghệ thuật độc đáo mãi được lưu truyền, hàng năm anh đều mở lớp cho các em thanh thiếu nhi từ 3 đến 16 tuổi đến xem và tìm hiểu môn nghệ thuật múa rối cổ truyền. Không chỉ được tận tay làm những con rối, các em còn được học hướng dẫn điều khiển quân rối và biểu diễn một số trò rối đơn giản, tạo sân chơi bổ ích cho các em. Anh hy vọng từ việc cọ sát và làm quen với con rối, sẽ có một lớp trẻ nhen nhóm tình yêu với con rối và gắn bó với nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Theo thời gian, khu vực Thủy đình năm xưa do Quỹ Ford Việt Nam đầu tư đã dần bị xuống cấp, đầu năm 2017 anh kêu gọi chính quyền xây dựng dự án tôn tạo và nâng cấp khu nhà thủy đình có khu trưng bày quân rối cổ truyền. Dự án trên đã được chính quyền UBND thị trấn Đại Nghĩa và UBND huyện Mỹ Đức phê duyệt. Cùng với đó, thị trấn Đại Nghĩa cũng đã bố trí thêm 700m² đất liền kề khu thủy đình và nhà truyền thống múa rối để tới đây xây dựng khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu. Dự án sẽ tạo điều kiện để du khách trong nước và quốc tế được trực tiếp xem nghệ nhân tạo hình, đẽo gọt quân rối, xem biểu diễn và tương tác với diễn viên, trải nghiệm và được diễn viên hướng dẫn tự biểu diễn quân trò. Ngoài tham quan khu bảo tồn, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn. Việc quy hoạch bài bản khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu kết nối các điểm đến du lịch trong huyện như Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai sẽ tạo điều kiện để phường rối Tế Tiêu phát triển, góp phần quảng bá giá trị văn hóa của “Di sản văn hóa phi vật thể quốc giatới bạn bè trong và ngoài nước.

Hà Nội nghìn năm văn hiến có làng Đào Thục (Đông Anh), Sài Sơn (Quốc Oai) và xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá (Thạch Thất) đều nổi tiếng với nghệ thuật rối nước. Nhưng riêng ở làng Tế Tiêu hiện là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội còn bảo lưu được cả múa rối cạn và rối nước. Ở nơi đó, cùng với 20 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn, có nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, người luôn thầm lặng cống hiến cho nền văn hóa truyền thống của dân tộc và là là người vẫn luôn đau đáu bảo vệ, phát triển nghệ thuật múa rối truyền thống của ông cha.

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *